Lâu nay vẫn có rất nhiều người tin rằng bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ giúp thai nhi khỏe mạnh, thông minh, da trắng trẻo, không bị chàm sữa, vàng da... Một bà mẹ người Trung Quốc tên Tú Y tin vào điều này nên đã cố gắng ăn trứng ngỗng. Từ tuần thứ 27 của thai kỳ, mẹ chồng của Tú Y đã nhà bà con ở quê mua 100 quả trứng ngỗng để bồi bổ cho con dâu. Trước đây, mẹ chồng cô cũng đã làm điều tương tự vì cho rằng ăn trứng ngỗng giúp thải độc thai nhi.

Tú Y nghe theo lời mẹ chồng và cố ăn một quả trứng ngỗng mỗi ngày, hết luộc rồi lại rán. Trứng ngỗng to, hương vị lại không được thơm ngon như trứng gà nhưng vì nghĩ rằng nó tốt cho con nên bà bầu này vẫn cố gắng ăn đều đặn mỗi ngày. Cũng vì thế mà cân nặng của Tú Y tăng một cách chóng mặt. Khi mang thai ở tuần thứ 27, cô chỉ nặng 50kg. Tuy nhiên, bước sang tuần thai thứ 37, cô đã nặng tới 65kg. Cuối cùng, Tú Y sinh ra một bé sinh khỏe mạnh, đáng yêu. Tuy nhiên, em bé bị vàng da bệnh lý và phải điều trị ngay lập tức. Bà mẹ trẻ nghĩ rằng mình đã ăn 100 quả trứng ngỗng, tại sao con lại bị vàng da.

Bác sĩ giải thích với cô rằng trứng ngỗng chỉ là một thực phẩm thông thường, không mang lại những tác dụng thần kỳ đối với thai nhi như người ta vẫn đồn thổi. Vấn dề chàm sữa, vàng da có liên quan đến các yếu tố nội tại của cơ thể, hệ miễn dịch và môi trường chứ không có mối quan hệ nào với việc ăn trứng ngỗng trong quá trình mang thai. Điều này khiến Tú Y hối hận vì hiểu biết nông cạn của mình.

Trọng lượng một quả trứng ngỗng khoảng 300 gram. Nó nặng gấp 4 lần trứng gà và 3 lần trứng vịt.

Trên thực tế, giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng không cao bằng trứng gà. 100 gam trứng ngỗng chứa khoảng 13 gam protein, 14,2 gam lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg calxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP… Trong khi đó, trứng gà có hàm lượng vitamin A cao gấp đôi trứng ngỗng (700 mcg trong trứng gà so với 360 mcg trong trứng ngỗng), lượng protein trong trứng gà cũng cao hơn.