Ngày xưa xóm đông trẻ con nên lúc nào cũng ríu rít tiếng cười. Nhưng rồi lũ trẻ lớn dần lên. Chúng dắt díu nhau đi xa hơn, lên phố thị mưu sinh rồi đón ông bà cha mẹ theo cùng. Bây giờ xóm chỉ còn vài chục nếp nhà cũ quây quần bên nhau và bám lấy quả đồi để sống.

Tôi ở cùng với chị gái và một đứa cháu trai. Năm ngoái thằng bé đỗ đại học, chị em tôi bảo nó thuê trọ luôn trên thành phố cho tiện nhưng nó không chịu. Nó bảo dì bán rau mỗi ngày chẳng được bao nhiêu, mẹ thì không nhìn thấy gì nên nó muốn ở nhà đỡ đần công việc. Và cái quan trọng nhất là nó không muốn tôi vắt hết tiền túi ra trả tiền trọ trong khi tôi và mẹ nó ở nhà chẳng dám mua thịt về ăn.

Vì gia cảnh khó khăn như thế nên gần 40 tuổi rồi tôi vẫn chẳng có ai dám rước. Thời son trẻ cũng có vài người mối lái nhưng ai đến ngó căn lều lụp xụp cũng lặng lẽ bỏ về. Sau có nhiều nhà hảo tâm đến thăm xã, họ cho tiền xây nhà tình thương nên mấy năm nay chị em dì cháu tôi không lo mưa lũ dột nát nữa.

Vốn dĩ thằng bé vẫn có bố, nhưng sau vụ tai nạn kinh hoàng năm nó 1 tuổi thì bố nó đã bỏ đi biệt tích. Tôi biết anh ta là người vô tâm nên chuyện bỏ rơi vợ con không có gì lạ lùng. Chị tôi sống với anh ta không cưới hỏi, họ đều mồ côi cha mẹ và nghèo nên cứ thế dọn về ở chung thôi.

Ảnh minh họa

Vốn dĩ thằng bé vẫn có bố, nhưng sau vụ tai nạn kinh hoàng năm nó 1 tuổi thì bố nó đã bỏ đi biệt tích. Tôi biết anh ta là người vô tâm nên chuyện bỏ rơi vợ con không có gì lạ lùng. Chị tôi sống với anh ta không cưới hỏi, họ đều mồ côi cha mẹ và nghèo nên cứ thế dọn về ở chung thôi.

Chị tôi làm vườn quần quật dù bụng chửa to tướng, ngày vỡ ối chị gào khóc ầm lên cạnh cái chum nước nhưng chồng chị vẫn bình thản ngồi uống rượu ngoài sân. May có bà hàng xóm sang đỡ đẻ giúp nên mẹ tròn con vuông, chứ không tôi cũng chẳng biết làm thế nào.

Một ngày nọ chị nhờ tôi trông cháu ngủ để mang rau ra chợ bán. Gần trưa thằng bé tỉnh dậy khát sữa nên khóc ngằn ngặt, tôi bế dỗ mãi nó không nín. Bố nó bực mình vì tiếng khóc nên châm thuốc hút liên tục. Được một hồi thì anh ta cáu nhặng lên, ném tàn thuốc xuống đất rồi chửi.

Cái lều lợp lá cọ dính phải tàn thuốc bùng cháy dữ dội. Cháu tôi khóc ré lên sợ hãi, lúc ấy tôi vừa chạy sang hàng xóm mượn xe đạp định ra chợ. Chị tôi về kịp lúc thấy nhà cháy, chúng tôi quăng hết mọi thứ để lao vào bế thằng bé ra ngoài. Lều sơ sài nên sụp rất nhanh. Bố nó chẳng thèm quan tâm đến con mà chỉ lo cứu mấy bình rượu để trong góc. Chị tôi chỉ kịp quấn con trong chiếc tã cũ đưa cho tôi qua cửa sổ, một thanh nứa cháy rơi thẳng xuống người khiến chị bị bỏng nặng.

Tai nạn oan nghiệt ấy đã cướp đi đôi mắt của chị. Ngày chị tháo băng sẹo giăng chằng chịt, tròng mắt đục ngầu chắp vá khiến tôi đau thắt lòng. Chị chẳng quan tâm đến gã chồng tệ bạc, anh ta cũng trốn đi ngay hôm xảy ra chuyện. Thứ duy nhất chị quờ quạng tìm mỗi ngày chỉ có đứa cháu trai bé tí của tôi. Bất kể ngày đêm mưa nắng, thằng bé chính là hạnh phúc duy nhất, hi vọng duy nhất cho cuộc đời buồn tủi của chị tôi.

Mấy năm trước chúng tôi bán được mảnh vườn cạnh nhà nên có ít tiền lận lưng. Tôi bảo với chị để tiền ấy cho cháu đi học trên thành phố, chị lại nói tôi đem đi mà lấy chồng. Một cô giáo “ế” đến tận tuổi này như tôi thì có ai thèm nữa cơ chứ. Mỗi ngày ngồi cùng chị ở hiên đợi thằng cháu đi xe bus về nhà, tôi lại mỉm cười vì nghĩ tương lai gửi gắm ở nó chắc sẽ rất rạng rỡ.

Tháng trước thằng bé bảo sắp được nghỉ hè rồi. Nó khoe xin được việc làm thêm ở một cửa hàng tiện lợi, sáng tới trường xong chiều nó làm đến khuya mới về được. Tôi ra thành phố để mua một chiếc xe số cho nó tiện đi lại. Thằng bé ứa nước mắt suốt đoạn đường chở tôi về trên cái xe mới. Nó bảo sẽ cố gắng sau này kiếm thật nhiều tiền để đưa mẹ và dì đi chơi, ra khỏi cái xóm chân đồi quanh năm vang tiếng ếch nhái ấy.

Cuối tuần rồi nó về nhà, hớn hở khoe đã có lương tháng đầu tiên. Tuy số tiền vô cùng ít ỏi nhưng với thằng bé là niềm tự hào không gì sánh được. Mẹ nó cứ sụt sịt mãi động viên con làm ít thôi để dành sức khỏe còn đi học.

Sáng chủ nhật nó bảo chị em tôi mặc bộ quần áo đẹp nhất để cùng nó lên thành phố chơi. Chị tôi cứ lắc đầu không chịu, mấy chục năm nay chị chẳng bước đi đâu quá khỏi cái xóm này. Tôi cùng cháu thuyết phục mãi chị mới chịu thay đồ. Ba người cùng lên xe bus, dọc đường đi thằng bé luôn nắm chặt tay mẹ nó và thì thầm tả mọi thứ ngoài cửa sổ cho mẹ.

Chúng tôi cùng nhau ăn bát bún chả đầu tiên trong đời, cùng nhau nếm thử cà phê trứng, cùng chụp những bức ảnh đầu tiên ở hồ Gươm. Chị tôi cứ ngại ngùng vì làm “người nhà quê ra phố”, nhưng cháu tôi liên tục động viên rằng có nó ở bên chẳng việc gì phải sợ.

Rồi nó bảo có một món quà tặng mẹ. Chúng tôi đi bộ vào một trung tâm thương mại lớn, đi thang máy xuống tận dưới hầm. Cậu cháu nhanh nhẹn mua vé và hào hứng nói sẽ đưa mẹ đi tham quan thủy cung. Nhìn giá vé mà tôi giật mình, nhưng thằng bé khẽ nháy mắt nhắc tôi giữ bí mật.

Quả nhiên mẹ nó rất bất ngờ. Giữa đám đông bon chen và tiếng trẻ con cười nói ríu rít, cháu tôi kiên nhẫn đi thật chậm và cầm tay mẹ chạm vào lớp kính dày.

“Sau lớp kính này là nước biển mẹ ạ, màu xanh. Có nhiều cá lắm, mấy con này sọc đen đỏ, con kia màu vàng, có cả cá đuối to đùng mẹ ạ. Ở kia có cá mập này mẹ, ôi lần đầu con nhìn thấy nó ngoài đời thật. Giống trên tivi quá, nó mà cắn thì sợ chết đi được”.

Thằng bé vẫn nhớ hồi nhỏ có lần mẹ nó bảo mơ ước duy nhất trong đời là được ra biển chơi. Chị tôi sinh ra lớn lên ở nơi khỉ ho cò gáy, rồi số phận khiến chị mất đi đôi mắt không thể ngắm nhìn được cái gì nữa. Cháu tôi hẳn là đã rất cố gắng để giúp mẹ thực hiện ước mơ đẹp đẽ ấy. Nó bảo bây giờ chỉ đủ khả năng đưa mẹ và dì tham quan thủy cung, nhưng năm sau nhất định nó sẽ tiết kiệm một khoản cho chúng tôi được ra biển thật, dẫm chân trên cát và nghe sóng biển rì rào.

Thật là một đứa bé ngoan và hiếu thảo. Dù mẹ nó cố gắng kiềm chế không khóc giữa đám đông, nhưng tôi biết chị đang rất hạnh phúc. Tôi tin cháu mình sẽ thực hiện được lời hứa của mình và biến ước mơ của mẹ nó thành sự thật.