Những ai dễ bị

Theo PGS Phạm Cẩm Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Theo Glocoban 2018, tỷ lệ ung thư vú đứng đầu về tỷ lệ mắc mới và đầu thứ tư về tỷ lệ tử vong ở nữ giới. 

Tại Việt Nam, PGS Phương cho biết bệnh ung thư vú ở nước ta đang tăng và ngày càng trẻ hoá. Những phụ nữ tầm tuổi 20 -30 cũng không hoàn toàn tránh khỏi.

Cũng giống như các bệnh ung thư khác, yếu tố gây ung thư vú là các nguyên nhân do môi trường sống, hút thuốc lá, tiếp xúc với hoá chất và yếu tố từ bên trong đó là do tuổi tác, do đột biến gen. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ung thư vú ở một vài trường hợp có tình chất di truyền.

Ảnh minh họa: Internet

Chính vì thế, PGS Phương đưa ra 7 nhóm người có nguy cơ bị ung thư vú cao đó là: 

Thứ nhất: Những người có mẹ, con gái, chị em gái bị ung thư vú có đột biến gen BRCA 1 và BRCA 2.

Thứ hai: Tuổi càng cao nhất là phụ nữ từ 40 tuổi trở đi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn phụ nữ dưới 40 tuổi

Thứ ba: Những phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực.

Thứ tư: Phụ nữ có tiền sử bị ung thư trước đó ví dụ như phụ nữ đã bị ung thư một bên vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng. 

Thứ năm: Phụ nữ có hành kinh sớm trước tuổi 12 và mãn kinh muộn sau 55 tuổi.

Thứ sáu: Phụ nữ mang thai muộn hơn 30 tuổi, không mang thai, không có con bú.

Thứ bảy: Phụ nữ hút thuốc lá và béo phì.

Dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư vú, theo PGS Phương có 6 dấu hiệu như có khối u ở vú, thay đổi da trên vị trí khối u, thay đổi hình dạng núm vú, chảy dịch đầu vú, hạch nách sưng to, đau vùng vú.

Các bước tự khám vú

Theo PGS Phương thời điểm tự khám vú sau sạch kinh 5 đến 7 ngày, lúc này mật độ tuyến vú mềm mại hơn.

PGS Phương cho biết tự khám vú sẽ giúp chị em phụ nữ có thể phát hiện bệnh sớm nhất. Nếu phát hiện bệnh sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lên tới 99 %.

Rất nhiều phụ nữ phát hiện khi khối u còn bé chưa xâm lấn và khi đó chỉ cần phẫu thuật có thể khỏi bệnh, chi phí điều trị thấp và bệnh nhân không phải trải qua quá trình điều trị lâu dài, tốn kém.

PGS Phương khám cho người bệnh. Ảnh: Internet

Sau chu kỳ kinh nguyệt 5 ngày, chị em có thể tự đứng kiểm tra trước gương lần lượt thực hiện các bước quan sát.

Bước 1: Xem hai bên vú có đối xứng không

Bước 2: Quan sát da vùng ngực có bị nhăn nheo, viêm loét sần sùi, thay đổi màu sắc không?

Bước ba: Đầu vú có lõm xuống, tiết dịch bất thường không?

Sau khi quan sát vú chị em tự kiểm tra đầu vú:

Đầu tiên, chị em dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú. Sau đó, ấn đầu vú xuống xem có thấy xuất hiện khối u hay không, bóp nhẹ núm vú kiểm tra xem có tiết dịch không?

Cuối cùng, chị em tự kiểm tra toán bộ vú có thể dùng 4 đầu ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vú. Kiểm tra nhẹ theo hướng xoắn ốc từ núm vú ra ngoài. Ấn nhẹ, xoay tròn, miết trượt trên da, phát hiện có u, cục bất thường không?

Nếu thấy các bất thường, chị em phụ nữ có thể tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, siêu âm, chụp Xquang tuyến vú. Nếu phát hiện có u có thể kiểm tra bằng sinh thiết. Khi chẩn đoán ung thư, bệnh nhân được điều trị bằng các biện pháp khác nhau tuỳ từng giai đoạn bệnh.

PGS Phương nhấn mạnh viện điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và hiện nay phẫu thuật là phương pháp kinh điển trong điều trị ung thư vú. Ngoài ra, bệnh nhân có thể điều trị hoá chất, xạ trị, nhắm đích, điều trị nội tiết và miễn dịch.

Để phòng bệnh ung thư vú, PGS phương cho biết chị em nên khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm nhất. Hiện nay, các chương trình khám sàng lọc ung thư vú được bệnh viện Bạch Mai và Quỹ ngày mai tươi sáng tổ chức có nhiều chị em đã quan tâm và tới khám thường xuyên hơn giúp nhiều chị em phát hiện được bệnh sớm hơn.