Chuyên gia tư vấn: Bà bầu bị cảm nên làm gì cho mau khỏe?
Khi thời tiết thay đổi, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa, bà bầu rất dễ bị cảm do sức đề kháng yếu. Tuy nhiên, chúng ta đều biết khi mang thai việc sử dụng thuốc là vô cùng hạn chế, ngay cả những thuốc thông thường nhất cũng nên cẩn thận, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Việc hạn chế dùng thuốc khiến bà bầu bị cảm thường lâu khỏi, gây ra không ít mệt mỏi và khó chịu cho mẹ.
Nguyên nhân bà bầu bị cảm
Bệnh cảm thông thường đều do virus gây ra. Y học chia bệnh cảm thành 2 nhóm: Cảm lạnh và cảm cúm. Cảm lạnh xảy ra khi nhiễm virus ở đường hô hấp trên, rất nhiều virus có thể gây ra triệu chứng cảm lạnh nhưng thường gặp nhất là Rhinovirus.
Đối với cảm cúm, đây cũng là một bệnh truyền nhiễm nhưng do virus cúm Influenza gây ra, có nhiều chủng virus cúm như cúm A, cúm B, cúm C. Hoạt động của các chủng virus cúm thay đổi theo từng năm và dễ dàng sinh ra chủng cúm mới. Do đó, cảm cúm thường nguy hiểm hơn rất nhiều so với cảm lạnh.
Hiện đã có vaccine phòng ngừa một số chủng cúm thông thường. Khi mang thai, ngoài tác động lên cơ thể người mẹ, việc nhiễm virus còn liên quan đến bào thai trong bụng, vì thế bà bầu phải hết sức lưu ý.
Việc phân biệt cơ bản giữa cảm lạnh và cảm cúm, thường dựa trên triệu chứng:
Triệu chứng cảm lạnh: Thường nhẹ và kéo dài ngắn ngày, triệu chứng sẽ cải thiện sau 7-10 ngày. Bà bầu bị cảm lạnh sẽ có dấu hiệu nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, viêm họng, nhức đầu, đau nhức cơ thể và mệt mỏi nhẹ.
Triệu chứng cảm cúm: Các triệu chứng của cảm cúm tương tự như cảm lạnh nhưng mức độ nặng và kéo dài hơn. Có thể kèm theo sốt từ vừa đến cao, ho khan, ớn lạnh, ăn không ngon miệng. Bà bầu thường đau đầu và đau cơ nghiêm trọng, mệt mỏi kéo dài trên 2 tuần hoặc hơn nếu chăm sóc không tốt.
Bà bầu bị cảm nên làm gì cho mau khỏe?
Khi bị cảm, việc mẹ bầu cần nghĩ đến đầu tiên và tốt nhất chính là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác tình trạng hiện tại của mẹ. Đây là việc hữu ích và thiết thực nhất, bác sĩ sẽ hướng dẫn bà bầu bị cảm nên làm gì cho mau khỏe.
Vấn đề mua và sử dụng thuốc khi mang thai rất nhạy cảm. Bà bầu nên hạn chế sử dụng thuốc tối đa vì mỗi loại thuốc đều tiềm ẩn nguy cơ đối với thai kì của bạn. Do đó, bác sĩ thường rất dè dặt và chỉ kê đơn bổ sung vitamin giúp mẹ bầu nâng cao sức đề kháng kèm theo những lời khuyên giúp mẹ cải thiện triệu chứng khó chịu.
Xông mũi ngay khi có dấu hiệu cảm
Xông là phương pháp dân gian, lành tính và rất dễ thực hiện tại nhà. Mẹ bầu có thể sử dụng các loại lá cây hoặc củ chứa tinh dầu có trong vườn nhà, đem nấu sôi với nước sạch sau đó mở hé nắp và ghé mặt hít hơi nước nóng bay lên.
Hãy hít thở thật đều đặn và cảm nhận triệu chứng nghẹt mũi của mẹ đang giảm đáng kể. Một số nguyên liệu gợi ý cho nồi xông của mẹ bao gồm lá kinh giới, tía tô, lá bưởi, húng quế, bạc hà, chanh, củ gừng, sả, rau tần dầy lá…
Nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%
Nước muối sinh lý vô cùng lành tính và có thể dễ dàng tìm mua ở bất kì hiệu thuốc tây nào. Dung dịch này dùng để rửa và vệ sinh mũi hàng ngày, hiệu quả rất tốt trong giai đoạn bệnh cảm ghé thăm.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể pha 1 thìa muối vào cốc nước ấm để súc miệng trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy.
Chanh kết hợp với mật ong
Mẹo nhỏ dân gian này hết sức đơn giản. Trộn lẫn chanh và mật ong vào một cốc nước ấm, uống khi nước còn ấm sẽ xoa dịu cổ họng hiệu quả, đẩy lùi cơn ho cho mẹ.
Kết hợp này rất dễ uống và trị ho rất tốt. Ngoài ra, mẹ bầu có thể chưng 1 quả tắc (quất) trong chén có mật ong hoặc đường phèn, chưng đến khi tắc chín mềm rồi mang ra ăn sẽ có tác dụng giải cảm.
Nước ép tỏi
Tỏi giã nhuyễn ép lấy nước, uống nước tỏi cùng một li nước ấm để tráng miệng. Tuy tỏi rất khó uống, mùi rất nồng và cay nhưng hiệu quả sát khuẩn của tỏi là rất tốt. Mặt khác, không chỉ phụ nữ có thai, bất kì lứa tuổi nào ăn tỏi cũng rất tốt cho sức khỏe, hãy sử dụng tỏi thường xuyên trong các món ăn hàng ngày cho gia đình bạn để phòng ngừa cảm cúm nhé.
Không sử dụng thuốc kháng sinh
Một số trường hợp mẹ bầu không đi khám bác sĩ mà tự ý mua thuốc để uống là rất không nên. Kháng sinh là thuốc khi sử dụng phải hết sức thận trọng, không chỉ riêng phụ nữ có thai mà với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh cảm, sử dụng kháng sinh không những có nhiều nguy cơ mà nó thật sự không đem lại lợi ích điều trị nào cả. Lí do là nguyên nhân gây bệnh cảm đa số là virus, không phải nguyên nhân từ vi khuẩn. Kháng sinh không có hiệu quả trên virus.
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Bệnh cảm khiến cho các mẹ bầu ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên các mẹ hãy cố gắng ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng tự nhiên giúp đẩy lùi bệnh tật.
Một bát cháo giải cảm cũng rất hữu hiệu. Khi nấu cháo nên thêm hành, tiêu, tía tô và ăn nóng giúp mẹ toát nhiều mồ hôi.
Làm gì để phòng ngừa cảm?
Ngoài những giải pháp bà bầu nên làm khi bị cảm, chị em cũng cần bảo vệ sức khỏe với những lưu ý sau:
Nâng cao sức đề kháng tự nhiên
Ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước. Bà bầu có thể uống nước mật ong thêm gừng hoặc chanh nóng thường xuyên nhằm phòng ngừa cảm cúm và giúp đào thải độc tố trong cơ thể, xoa dịu dạ dày. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bị cảm hoặc đi đến những khu vực có bệnh truyền nhiễm.
Giữ vệ sinh cơ thể
Bà bầu nên thường xuyên súc miệng bằng nước muối. Khi đi từ môi trường có nhiều khói bụi trở về, nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để đảm bảo cơ quan hô hấp luôn sạch sẽ.
Duy trì thân nhiệt cơ thể ở mức ổn định
Khi có việc phải ra ngoài, bà bầu nên cẩn thận chống nắng, che ô, mang theo áo mưa, áo khoác để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc thời tiết xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi ngủ, bà bầu tránh nằm ngay hướng gió của quạt máy hoặc điều hòa, chú ý giữ ấm cổ và tay chân.
Tập luyện thường xuyên
Chú ý tập luyện nhẹ nhàng khi mang thai cũng giúp cơ thể bà bầu khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc những bệnh thông thường.
Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm Cần Thơ
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.