Một trong những vấn đề băn khoăn của cha mẹ khi cho trẻ ăn bao gồm việc trẻ không hứng thú với thức ăn, trẻ thường quay đầu hoặc ngậm thức ăn quá lâu.

Phần lớn, cha mẹ quan tâm nhiều đến lượng ăn của trẻ trong mỗi bữa ăn nhưng ít quan tâm đến hành vi ăn uống của trẻ phát triển như thế nào khi ăn. Thực tế, lượng ăn quyết định nguồn dinh dưỡng của trẻ nhưng hành vi lại quyết định chất lượng dinh dưỡng cho trẻ.

Hàn vi ăn uống quyết định chất lượng dinh dưỡng cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Việc trẻ phát triển hành vi ăn uống sai có thể dẫn đến sở thích ăn những thức ăn kém chất lượng, giàu chất béo bão hòa hoặc hàm lượng đường, muối cao. Đó là nguồn gốc của nhiều bệnh khi trẻ lớn lên. 

Nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú với bữa ăn 

Do trẻ chưa phát triển ngôn ngữ, việc đáp ứng đơn giản nhất là phản ứng lại thức ăn của bạn. Đó cũng là những dấu hiệu bạn cần quan tâm, vì đây là những dấu hiệu cho bạn biết về hành vi và cảm xúc khi ăn của trẻ.

Trẻ cảm thấy việc cho ăn của cha mẹ thật nhàm chán

Trẻ sơ sinh chuyển từ trạng thái bú sữa sang ăn dặm và kéo dài thời kì làm quen với mùi vị và hành vi ngồi bàn ăn đến 5 tuổi. Thời kỳ này không quá dài nhưng đủ để trẻ nhận ra sự nhàm chán như thế nào nếu cứ mỗi ngày bạn cho trẻ ăn mà không tương tác.

Trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán khi không có sự tương tác trong bữa ăn - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ con cần sự tương tác, do đó, trẻ muốn bạn bế đi chơi, xem TV hoặc Ipad. Tuy nhiên, đó là những tương tác tiêu cực vì trẻ không học được hành vi ăn uống. Do đó bạn cần tương tác tích cực thay vì để trẻ tự tìm nguồn tương tác. 

Bạn có thể tham khảo các hoạt động như cho bé khám phá thức ăn, tạo hình ảnh bắt mắt, thêm thực phẩm giòn giòn vào khẩu phần ăn. 

Trẻ nhanh no nhưng cũng dễ đói

Trẻ con nếu được cho ăn vặt các món bánh kẹo hoặc bánh snack sẽ dễ dàng chán bữa ăn chính. Nguyên nhân do dạ dày của trẻ chỉ bằng 1/3 người lớn, việc giới thiệu lượng thức ăn hợp lí sẽ giúp dạ dày trẻ phát triển đúng.

Dạ dày có thể thích nhỏ nên trẻ rất nhanh no - Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, không nên ép bé ăn quá nhiều. Nếu trẻ lắc đầu sau 4 lần thử thì hãy hạ muỗng xuống, làm động tác bỏ phần thức ăn vào chén, và lấy muỗng mới. Động tác này cần để trẻ thấy. Sau đó, cho trẻ muỗng mới. Nếu trẻ tiếp tục lắc đầu và phản kháng. Hãy đợi 45 phút - 1,5 giờ sau hoặc bữa sau. Có thể cho trẻ ăn nhẹ với sữa, sữa chua hoặc phô mai.

Đừng để trẻ quá đói, thông thường trẻ thích chơi nên tự bỏ đói mình. Khi dạ dày nhỏ của trẻ hoạt động quá mệt mỏi sẽ làm trẻ có hành vi chán ăn sau đó. Do đó, có thể cho trẻ ăn món ăn nhẹ như tôm chiên, cơm cuộn trứng..

Trẻ nhận thức về bản thân nhiều hơn

Bất kì trẻ nào cũng sẽ trải qua giai đoạn này để nhận thức lớn hơn so với giai đoạn sơ sinh. Trẻ biết mình, biết sự tồn tại của thức ăn và việc cha mẹ bực tức hay vui vẻ như thế nào khi cho trẻ ăn.

Do đó, việc cha mẹ bực tức ép trẻ ăn, trẻ cũng bắt đầu nhận ra. Nếu bạn bình thản và tự tin trong mỗi bữa ăn của trẻ, trẻ cũng bắt đầu nhìn thấy thái độ này của bạn mà có biểu hiện hành vi không phản kháng.

Tâm lý cha mẹ là điều quan trọng khi con trẻ trở nên biếng ăn. Nó quyết định trẻ có ăn tốt trở lại không. Bạn nên hiểu trẻ sẽ trải qua gia đoạn tự nhận ra mình nên việc trẻ có 1-2 bữa biếng ăn, hoặc thậm chí kéo dài 1 tuần cũng dễ hiểu.

Khi nhận thức được bản thân, trẻ sẽ có khoảng thời gian biếng ăn hơn - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ đừng đặt quá nhiều lo lắng. Hãy nên chú ý hơn về chiến lược làm gì sau phân bố bữa ăn của trẻ, lựa chọn những loại thức ăn trẻ có thể thích nhưng có chất dinh dưỡng. Càng bực bội lo lắng, trẻ sẽ cuốn theo tâm lý đó của bạn và dĩ nhiên bạn và trẻ đều không thể thoát khỏi cuộc chiến khi ăn.

Trẻ con cần được quan tâm cả về dinh dưỡng và hành vi giao tiếp liên quan đến việc ăn hàng ngày. Bạn có thể tưởng tượng rằng việc trẻ không diễn đạt được cho bạn biết trẻ cần gì, ăn gì và ăn ra sao sẽ làm trẻ trở nên lúng túng khi đáp ứng với bạn.

Do đó, trước 5 tuổi cha mẹ cần quan sát và tương tác để hiểu trẻ nhiều hơn, thậm chí cần tự đặt câu hỏi: Tại sao trẻ lại từ chối thức ăn? Thay vì cố gắng ép hoặc dụ trẻ ăn. Như đã đề cập, dụ hay ép chỉ giải quyết lượng ăn, nhưng chất lượng dinh dưỡng chưa chắc được bảo đảm. Đôi lúc, ép trẻ ăn có thể làm trẻ thừa cân béo phì.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh

Khoa Dinh dưỡng Nhi - Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)