Suy thận mạn là gì?

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận, thể hiện chủ yếu ở chức năng bài tiết nước thải và chất độc trong cơ thể. Có hai loại là suy thận cấp tính và suy thận mạn. Trong đó, suy thận mạn để lại nhiều hậu quả nặng nề và không thể chữa khỏi; bệnh nhân phải được can thiệp bằng nhiều phương pháp để duy trì sự sống.

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận, thể hiện chủ yếu ở chức năng bài tiết nước thải và chất độc trong cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Suy thận mạn tính là chức năng thận bị suy giảm từ từ trong thời gian dài. Suy thận mạn có nguyên nhân từ các bệnh như: viêm cầu thận mạn, cao huyết áp, tiểu đường, luspus đỏ, hội chứng thận hư, sỏi thận,... 

Suy thận mạn tính gây ra tình trạng tích tụ các chất thải, tăng urê và creatinin máu. Biến chứng nguy hiểm nhất là phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim, ngưng tim.

Tùy vào mức độ, suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn. Quá trình suy thận mạn có thể kéo dài từ 5 - 10 năm hoặc lâu hơn tùy từng trường hợp cũng như số lượng giảm sút các đơn vị chức năng. 

Triệu chứng phù nề do suy thận mạn - Ảnh minh họa: Internet

Ở những giai đoạn đầu, suy thận mạn không có dấu hiệu nhận biết nên dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Khi xuất hiện các dấu hiệu chán ăn, buồn nôn, phù nề,... bệnh đã ở những giai đoạn cuối và phải can thiệp bằng chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc thay thế thận.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống - Ảnh minh họa: Internet

Việc chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng có thể loại bỏ một số chất thải. Trong thời gian này, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý để duy trì sức khỏe và tránh tình trạng suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến quá trình chữa trị.

Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị suy thận mạn

Kiểm soát huyết áp, phù nề và các chất điện giải

Tăng huyết áp là một trong những vấn đề cơ bản mà người suy thận mạn phải đối mặt. 

Do thận suy kiệt, không thể tiến hành lọc máu để thải chất độc ra bên ngoài nên người bệnh liên tục tăng huyết áp. Khi bị tăng huyết áp, áp lực trong máu đột ngột tăng cao gây ra các triệu chứng khó thở, đau ngực, loạn nhịp thất thường.

Tình trạng tăng huyết áp lâu ngày sẽ gây tổn thương nội mạc, phì đại tâm thất và xơ vữa động mạch. Đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân suy thận.

Tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến biến chứng suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân suy thận - Ảnh minh họa: Internet

Đồng thời, bệnh nhân suy thận cũng luôn đối mặt với tình trạng phù nề do tràn dịch và rối loạn các chất điện giải.

Do đó, bên cạnh việc chạy thận nhân tạo để loại bỏ chất độc, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý để để kiểm soát huyết áp, giảm tình trạng phù nề và rối loạn các chất điện giải.

Đảm bảo sức khỏe cho quá trình điều trị

Để duy trì sự sống, bệnh nhân suy thận phải chạy thận định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đây là phương pháp có tác dụng lọc và đảo thải những chất độc hại trong cơ thể. Do đó, trước hết, người bệnh suy thận phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho việc điều trị.

Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết: "Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng đối với bệnh nhân chạy thận. Bệnh nhân phải ăn uống kiêng khem hợp lý để hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn và đảm bảo sức khỏe cho việc chạy thận".

Bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận

Đồng thời, nhiều nghiên cứu cho thấy người bị suy thận mạn có nguy cơ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn người bình thường gấp 6 lần. Một số loại nhiễm trùng thường gặp là: Nhiễm trùng đường hô hấp dưới, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm khuẩn máu.

Nếu không bổ sung đầy đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết, người bệnh sẽ dễ dàng bị một số loại nhiễm trùng nêu trên tấn công khiến việc chữa trị trở nên khó khăn hơn.

Như vậy, để duy trì sự sống, điều tiên quyết mà bệnh nhân suy thận mạn phải làm là bổ sung nguồn dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho quá trình điều trị.

Duy trì sức khỏe của hệ xương khớp

Một trong những biến chứng nguy hiểm của suy thận giai đoạn cuối là xương bị giòn và dễ gãy.

"Suy thận gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Ở những giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng huyết áp liên tục, xương trở nên giòn và dễ gãy" - Bác sĩ Võ Hoài Ân chia sẻ.

Thận suy yếu nên không thể đào thải lượng phốt pho dư thừa trong máu ra ngoài. Điều này dẫn đến rối loạn cân bằng các khoáng chất canxi và phốt pho gây ra tình trạng thiếu hụt canxi. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến canxi dần bị mất đi dẫn đến xương trở nên mảnh hơn.

Mặt khác, do lượng canxi trong máu giảm nên các tuyến cận giáp trạng phải điều hòa canxi hoạt động quá mức khiến lượng canxi trong xương cũng bị mất dần. Đồng thời, khi bị suy thận, cơ thể không thể biến đổi vitamin D từ thức ăn sang dạng hoạt động để tăng cường tổng hợp và hấp thụ canxi.

Một trong những biến chứng nguy hiểm của suy thận giai đoạn cuối là xương bị giòn và dễ gãy - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, bệnh nhân suy thận phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giảm phốt pho, bổ sung vitamin D và canxi để duy trì hệ xương khớp. Duy trì chế độ ăn hợp lý, người bị suy thận mạn còn ngăn ngừa tình trạng loạn dưỡng, đau nhức và biến dạng xương.

Ngoài ra, người bị suy thận mạn nên luyện tập thể dục với những động tác nhẹ nhàng để tăng cường dinh dưỡng cho hệ xương khớp.