Theo gia đình, người bệnh có tiền sử táo bón kinh niên. Được mách ăn lá lộc mại có thể trị dứt điểm táo bón, bà đã dùng lá cuốn với thịt lợn để ăn. Vài giờ sau, người bệnh bắt đầu đau bụng, vàng da, nước tiểu đỏ, mệt mỏi, chóng mặt… Bà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.

Người bệnh đã hồi phục sau 5 ngày điều trị. Ảnh: BVCC.

Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, đi ngoài phân lỏng, vàng mắt, vàng da, chóng mặt, buồn nôn, người yếu mệt, đi tiểu ra máu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy có hiện tượng tan máu cấp, thiếu máu nặng, suy gan, suy thận.

Sau khi thực hiện các kiểm tra lâm sàng kết hợp cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc xác định người bệnh bị tan máu cấp do ngộ độc lá lộc mại.

Bệnh nhân được thải độc, truyền máu, thuốc bổ gan, thuốc chống chảy máu, thuốc lợi tiểu… Sau 5 ngày điều trị, người bệnh đáp ứng thuốc tốt, tình trạng tan máu đã cải thiện, suy gan, suy thận giảm. Bà được tiếp tục theo dõi và dự kiến ra viện trong những ngày tới.

ThS.BS Phan Hồng Thái, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp bị ngộ độc nặng do ăn lá lộc mại.

Theo y học cổ truyền, lá lộc mại (hay cây du mại) có tác dụng nhuận tràng (khi dùng liều nhỏ), tẩy (khi dùng liều lớn), tiêu độc và sát trùng. Do đó, nhiều người sử dụng nước lá lộc mại để chữa táo bón, kiết lỵ... Tuy nhiên, việc sử dụng sai cách hoặc quá liều có thể gây ngộ độc. Độc tính của lá lộc mại có thể dẫn đến các triệu chứng như nhịp tim nhanh, mệt mỏi, da xanh xao, khó tiêu, đau bụng và đi tiểu ra máu.

Bác sĩ Thái khuyến cáo người dân không nên sử dụng lá lộc mại dưới bất kỳ hình thức nào. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Tin liên quan