Cây nhài hay còn gọi là lài, mạt lị, có tên khoa học là Jasminum Sambac Ait (hoặc LJ.Fragrans Salisb). Cây nhài thuộc loại cây nhỏ, nhiều cành, mọc thành bụi, có thể vươn dài leo lên giá đỡ, hoa màu trắng, mọc thành cụm ở ngọn hay gần ngọn, hoa rất thơm.

Hoa và rễ nhài có tác dụng an thần, chữa đau dầu, mất ngủ kéo dài

Cây nhài thường được trồng để làm cây cảnh, lấy hoa, rễ làm thuốc chữa bệnh. Để lấy hoa nhài, người ta chọn lúc sáng sớm, khi hoa còn đọng sương, hái phơi khô trong râm. Rễ nhài có thể đào lấy quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông, sau đó rửa sạch, phơi khô.

Theo Đông y, hoa nhài tính ôn, vị cay ngọt, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, tán ứ, điều kinh lợi niệu, chữa trị các bệnh lao phổi, thổ huyết, viêm khớp cấp tính, cảm nhiễm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, đái tháo đường…. Rễ vị đắng, tính ôn, hơi độc, có tác dụng an thần, chữa mất ngủ, viêm mũi.

Dưới đây là 3 bài thuốc chữa mất ngủ, giảm đau bằng hoa nhài được giới thiệu trong cuốn Cây hoa cây thuốc (Nhà xuất bản Y học):

Chữa mất ngủ, giảm đau: Rễ nhài khô 12 – 20g (nếu là rễ tươi thì dùng 40 – 60g) hoặc hoa khô 5 – 10g; hãm với nước sôi như hãm trà, uống trong ngày.

An thần, chữa mất ngủ kéo dài: Rễ nhài tươi 100 – 200g, rượu trắng 40 độ 1.000ml; rễ nhài rửa sạch, băm nhỏ, cho vào bình thủy tinh ngâm với rượu trong 2 tuần; ngày uống 10 – 20ml trước khi đi ngủ; không dùng cho trẻ em.

Chữa nhức đầu, khó ngủ: Hoa nhài 6g, hoa cúc vàng 4g; hãm với 500m nước sôi uống trong ngày thay nước chè.