Chưa hết khổ vì muỗi, người Hà Nội lại bị kiến ba khoang "hành"
"Sống trong bóng tối", chi tiền triệu vì sợ kiến
Tỉnh dậy vào buổi sáng, chị Liên (tên nhân vật đã được thay đổi), 29 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội bỗng nhiên cảm thấy sau cổ mình bị sưng và rát như bỏng.
Sau khi ra quầy thuốc gần nhà mô tả triệu chứng, cũng như cho nhân viên xem vết thương, chị Liên được kê cho một túyp thuốc bôi ngoài da.
Tuy nhiên, sau khi bôi loại thuốc này, chị Liên không những không đỡ mà còn tiến triển nặng hơn.
Quyết định đến bác sĩ thăm khám, người phụ nữ bất ngờ khi được kết luận bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
"Lâu nay tôi cứ nghĩ rằng, chỉ có nhà mặt đất mới có kiến ba khoang. Mình ở chung cư cao tầng sẽ miễn nhiễm với loại côn trùng này", chị Liên chia sẻ.
Cửa luôn đóng kín là tình trạng của nhà anh Trung, 36 tuổi, sống tại Tây Mỗ (Hà Nội) từ đầu tháng 7 đến nay.
Từ tháng 7, đọc báo thấy dịch sốt xuất huyết gia tăng rồi sau này là dịch kiến ba khoang, cả gia đình anh Trung luôn dặn nhau phải nhớ đóng kín các cửa, để tránh côn trùng lọt vào nhà gây bệnh.
"Nhiều hôm trong nhà bức bí, ngột ngạt, chúng tôi chấp nhận chịu tốn tiền điện để bật điều hòa vì lo rằng chỉ cần mở cửa sổ một lúc, kiến và muỗi cũng đã có thể lọt vào", anh Trung phân tích.
Cẩn thận như vậy nhưng cách đây vài ngày, người đàn ông tá hỏa khi phát hiện kiến ba khoang trong phòng con trai.
"Gia đình có con nhỏ nên chúng tôi thực sự lo lắng vì biết loại kiến này độc như thế nào.
Mấy ngày qua tôi lùng sục trên mạng các loại thuốc được quảng cáo diệt kiến ba khoang không độc. Mua thử mỗi loại một chai cũng đã hết tiền triệu. Hy vọng sẽ có tác dụng", anh Trung chia sẻ.
Từng bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang ở vùng gần mắt và để lại sẹo, Nguyên, 22 tuổi, sinh viên một trường đại học tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lại lo ngay ngáy mỗi khi đến mùa của loại côn trùng này.
"Thấy bạn bè kể phát hiện kiến ba khoang trong nhà, tôi vội lên mạng tìm kinh nghiệm chống loại kiến này của mọi người", Nguyên kể.
Đọc được thông tin kiến ba khoang vào theo ánh đèn, nhiều ngày qua vào buổi tối nữ sinh này phải tắt bóng đèn chính của phòng trọ. Căn phòng chỉ còn tờ mờ chút ánh sáng từ điện hành lang hắt vào.
Khi cần thiết, Nguyên sẽ dùng đèn học. Cô cũng đã thay đèn học sang loại ánh sáng vàng, vì đọc được một thông tin trên Facebook là kiến ba khoang "bị hấp dẫn" bởi ánh sáng trắng.
"Cuộc sống có nhiều bất tiện khi thiếu ánh sáng nhưng còn đỡ hơn nhiều so với việc nhận thêm sẹo do kiến ba khoang", Nguyên nêu quan điểm.
Kiến ba khoang vào mùa, những lưu ý khi xử trí
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, thời gian gần đây số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gia tăng mạnh.
"Những trường hợp nhẹ thì chỉ gặp tổn thương khu trú ở một vùng da nhỏ. Tuy nhiên cũng có trường hợp rất nặng, khi mà tổn thương lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể; khu vực tổn thương cũng đau rát, lở loét nặng nề", BS Thành cho hay.
Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trước đó bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona dẫn đến điều trị sai cách.
"Rất nhiều người sai lầm khi coi viêm da tiếp xúc là bệnh zona, điều trị sai cách bằng acyclovir. Một số người còn dùng các loại lá cây để đắp, bôi khiến tổn thương lan rộng hơn", BS Thành nói.
Theo chuyên gia này, thời gian này trong năm, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều do vào mùa sinh sản.
Theo BS Thành, không chỉ có nhà mặt đất mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cũng không được chủ quan với loài côn trùng này. Chuyên gia này từng tiếp nhận các bệnh nhân ở căn hộ tầng 10 thậm chí cao hơn.
BS Thành phân tích, độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Loài côn trùng này không cắn hoặc chích mà chỉ vô tình chúng ta bị tiếp xúc hay cọ vào chúng.
"Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết. Chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin, một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh", BS Thành phân tích.
Kiến ba khoang sống trong môi trường tự nhiên sẽ bị hấp dẫn bởi ánh điện vào ban đêm và vào nhà.
Do đó theo BS Thành, để tránh kiến ba khoang, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng…) khi thắp đèn, ngủ trong màn.
Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Điều quan trọng là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập, mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến ba khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.
Sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...