Dẫn tin từ Người đưa tin, mới đây, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cấp cứu tháo xoắn vòi trứng, bảo tồn buồng trứng trái cho một thiếu nữ 14 tuổi. Bệnh nhân chưa có kinh nguyệt, 2 tuần nay đau âm ỉ vùng bụng dưới, cơn đau bụng tăng, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khám, siêu âm phát hiện khối hỗn âm cạnh tử cung bên trái, nghi ngờ xoắn vòi trứng.

Biểu hiện từ những cơn đau bụng âm ỉ - Ảnh minh họa: Internet

Ngay sau đó bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc cho kết quả "hình ảnh lốc xoáy ở vòi trứng trái”, các bác sĩ kết luận thiếu nữ này bị: "Xoắn vòi trứng bên trái". Xác định đây là trường hợp cấp cứu cần phải phẫu thuật ngay để bảo tồn buồng trứng, rất nhanh chóng các bác sĩ hội chẩn và thực hiện phẫu thuật cấp cứu. Khi quan sát qua camera trong ổ bụng, các bác sĩ quan sát thấy vòi trứng trái xoắn 4 vòng như rắn cuộn, buồng trứng tím nhẹ, nang trứng phù nề do ứ dịch.

Kíp phẫu thuật đã tiến hành tháo xoắn vòi trứng, tiếp đó mở nang trứng hút dịch, đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau 01 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bảo tồn được chức năng sinh sản của người bệnh.

Hình ảnh buồng trứng bị xoắn - Ảnh: VinMec

Xoắn vòi trứng (buồng trứng) là gì?

Bệnh xoắn buồng trứng là khi buồng trứng bị rơi xuống và xoắn lại, kéo theo động mạch cấp máu cho buồng trứng cũng xoắn, buồng trứng không còn được nuôi dưỡng và dẫn tới hoại tử buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một bệnh cảnh cấp cứu trong sản phụ khoa, đặc biệt khi bệnh nhân đang trong độ tuổi sinh sản.

Xoắn buồng trứng là bệnh có thể gặp ở tất cả phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trên các buồng trứng có u. Tình trạng xoắn buồng trứng thường xảy ra khi buồng trứng có các nang với kích thước khoảng từ 5-10 cm, phổ biến nhất là dạng u nang bì.

Triệu chứng bệnh Xoắn buồng trứng

Triệu chứng xoắn buồng trứng điển hình là đau bụng đột ngột, đau liên tục, thường khu trú rõ ở bên trái hoặc bên phải của vùng bụng dưới. Cơn đau thường không giảm khi uống các thuốc giảm đau thông thường và diễn tiến xấu đi khá nhanh, chỉ trong vài giờ. Nếu xoắn buồng trứng diễn ra chậm hoặc các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.

Buồn nôn và nôn gặp trong 70% trường hợp, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý có nguồn gốc từ đường tiêu hóa.

Tiểu rắt, tiểu khó, táo bón, phù 2 chi dưới là các triệu chứng biểu hiện tình trạng chèn ép của các cơ quan lân cận của u nang buồng trứng lớn.

Sốt có thể gặp khi xoắn buồng trứng đến muộn và có biến chứng hoại tử buồng trứng.

Xoắn buồng trứng không chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ở những người mãn kinh, u buồng trứng bao gồm cả u lành tính và u ác tính có thể gây ra bệnh cảnh xoắn buồng trứng với những biểu hiện không đặc trưng và diễn tiến nhanh hơn.

Như vậy, triệu chứng xoắn buồng trứng là không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu nội ngoại khoa khác. Vì thế phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để có thể phát hiện bệnh sớm hơn.

Nguồn: VinMec