Tôi 38 tuổi, còn chồng 43. Kết hôn được một năm thì tôi có thai, tuy nhiên chồng tôi không muốn có con lúc này. Tôi có tiền sử bệnh mất ngủ nên vì chuyện này mà bệnh càng trầm trọng hơn. Sau đó chúng tôi cãi nhau và ly thân.

Khi mới cưới, chồng bảo tôi nghỉ việc để chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, anh kiểm soát hết tiền bạc, chỉ đưa tôi tiền đi chợ và tiền đóng ngân hàng định kỳ hàng tháng. Chồng cũng không cho phép tôi đi đâu, giao du với ai ngoài đi chợ và ra ngân hàng. Tôi không được ra ngoài gặp bạn bè, người quen. Nếu muốn gặp, tôi phải mời họ tới nhà chơi. Nhưng ai cũng ngại chồng tôi, chỉ đến vài lần rồi thôi.

Ảnh minh họa

Nhà tôi làm gara ôtô, có vài người thợ trẻ, chưa đến 20 tuổi. Anh ghen cả với họ. Anh không cho phép tôi tiếp xúc trực tiếp với họ, có việc gì cũng phải qua trung gian là anh. Có lần anh đi vắng, tôi đưa tiền cho một cậu để mua cơm trưa, về nhà tôi cũng chủ động kể cho anh, vậy mà anh cho rằng tôi thích cậu bé đó và cho cậu ấy nghỉ việc. Đi taxi thì anh ghen với tài xế, nói tôi thích trai trẻ. Đi ăn với bạn bè, nói chuyện bình thường, anh cũng cho rằng anh bạn đó đang "tia" tôi.

Hiện tại, tôi sắp sinh và muốn ly hôn chồng. Tuy nhiên tôi muốn sau khi sinh, nhờ tòa dùng các nghiệp vụ để chứng minh tôi không lăng nhăng, con là của anh. Sau đó tôi sẽ ly hôn và làm khai sinh cho con. Tôi muốn hỏi khi viết đơn gửi tòa, tôi có cần ghi rõ mong muốn đó của mình không? Liệu tòa có giúp tôi làm các nghiệp vụ đó không? Vì chồng tôi rất ghen nên nếu tòa làm thì anh ấy mới tin. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi xin lời khuyên.

Giang

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:

Giang Thân mến,

Chồng chị quản lý tiền bạc, không cho chị tự do tiếp xúc người đàn ông nào, bất kể già trẻ, quen biết hay không quen biết. Chính vì quá ngột ngạt nên chị quyết định ly hôn chồng. Với bản tính ghen tuông của chồng chị, anh ấy nghi ngờ đứa trẻ trong bụng chị không phải con của mình. Chị muốn ly hôn chồng nhưng lại không muốn tước đi quyền lợi “có bố” của con nên muốn nhờ tòa đứng ra đảm bảo, chứng minh thân phận của đứa trẻ?

Trước hết tôi phải khẳng định, tòa không có bất cứ phương pháp nào để chứng minh chị không lăng nhăng. Trên thực tế, chị là người như thế nào, sống ra sao chính chị hiểu rõ nhất. Trong trường hợp người khác muốn chỉ trích, phê bình hay lên án chị thì họ phải “nói có sách mách có chứng” rõ ràng. Cũng như chồng chị nếu muốn kết tội vợ ngoại tình, anh ta bắt buộc phải có chứng cớ. Cho dù đó là một tin nhắn, một cuộc hò hẹn, một cái ôm, hôn… Nhưng nếu anh ta không bắt được vợ làm điều gì sai mà vẫn cứ ghen tuông, thì chính là vô cớ, là anh ta bệnh hoạn. Và chị không có nghĩa vụ phải cố gắng đi chứng tỏ những điều mình không có, không làm.

Trong trường hợp chị muốn chứng tỏ mối quan hệ giữa chồng mình và đứa con, chị có thể chọn phương pháp chọc dò nước ối, nhưng phương pháp này nguy hiểm nhất là trong giai đoạn sắp sinh. Phương án thứ 2 là xét nghiệm AND thông qua máu mẹ. Phương án này có nhược điểm là đắt tiền. Hoặc chị có thể chọn phương án thứ 3 là sinh con, sau đó mới làm xét nghiệm ADN. Đây là phương án an toàn và đỡ tốn kém nhất. Xin nói thêm là tòa không có chức năng giúp chị làm những việc này. Vậy nên nếu muốn, chị hãy tự chọn một phương pháp, tiến hành làm xét nghiệm và cung cấp kết quả khi ra tòa. Tòa sẽ xem xét và có phán quyết.

Nếu có thể chị hãy chờ sau khi đứa trẻ được sinh ra xong, cơ thể chị ổn định trở lại, lúc ấy nói chuyện ly hôn cũng chưa muộn. Hãy yên tâm rằng trong mọi trường hợp, khi trẻ dưới 36 tháng, người mẹ sẽ luôn nhận được quyền nuôi con trước sự phán quyết của tòa. Đối với việc xác định huyết thống của con, làm giấy khai sinh… đợi sau khi bé được sinh ra cũng chưa muộn. Máu mủ là câu chuyện có thể từ từ nói cả đời. Chồng chị chỉ ly hôn với chị thôi, mối quan hệ bố con sẽ không có cách nào cắt đứt được.