Sự việc xảy ra khoảng 20h30 ngày 17/5, khi người vợ gọi điện tới đường dây nóng của cảnh sát cho biết "vừa bị chồng đánh".

Có mặt tại nhà họ sau đó, cảnh sát thẩm vấn người chồng và nhận ra ông lão đã khá say xỉn. Ông cho biết vừa uống rượu xong, nhìn thấy hàng xóm đậu xe trong khuôn viên nhà mình nên "máu nóng bốc lên đầu". Ông định gây sự với hàng xóm thì bị vợ gàn nên càng tức giận.

Nghe thông báo sẽ bị tạm giữ vì hành hung vợ, người đàn ông tỏ ra rất sửng sốt và hỏi lại: "Các anh thực sự có thể gọi đó là bạo lực gia đình á? Kiểu bạo lực đó là phổ biến ở các cặp vợ chồng mà phải không? Tôi tức giận khi bà ấy cãi tôi nên tôi lấy vỏ chuối đánh vào đầu bà ấy thôi mà".

Một sĩ quan cảnh sát phân tích: "Cho dù vật đó là gì, dùng vật đó đánh người khác đều là hành hung. Dù là vợ chồng thì hành hung vẫn là hành hung".

Người vợ cho hay chồng nghiện rượu nên hay đánh và bạo lực ngôn từ với bà.

Những năm gần đây, Nhật Bản ghi nhận kỷ lục số vụ bạo lực gia đình. Dữ liệu do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) công bố cho thấy năm 2022, họ nhận hơn 84.000 yêu cầu tư vấn liên quan đến bạo lực gia đình, mức cao nhất hai thập kỷ qua. 74,8% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ.

Cùng năm, cảnh sát đã bắt gần 8.600 thủ phạm bạo lực gia đình, trong đó 116 vụ bị truy tố Cố ý giết người.

Luật pháp Nhật Bản không quy định rõ ràng các hình phạt hình sự với bạo lực gia đình. Hành vi tấn công lời nói hoặc vũ lực, lần đầu, có thể bị phạt 300.000 yên (50 triệu đồng) kèm phạt tù dưới 6 tháng. Nếu dẫn đến chấn thương, tùy mức độ thương tích có thể bị quy tội hành hung, với án tù tối đa 15 năm.