Nếu chỉ mãi rập khuôn theo cái cũ, miệt mài đi vào lối mòn, liệu chúng ta có bước kịp với sự trỗi dậy mạnh mẽ của thế giới bên ngoài? Tôi e là không!

Khuyến khích trẻ phản biện, tạo cơ hội cho trẻ sáng tạo, đó chính là mục đích cao nhất của công cuộc đổi mới toàn diện ngành giáo dục và đào tạo mà chúng ta đang theo đuổi. 

Làm thế nào để phát huy vai trò tích cực, chủ động của học sinh trong mỗi giờ học; làm thế nào khuyến khích người học năng động, bản lĩnh, chiếm lĩnh tri thức cũng như trau dồi kỹ năng mềm phục vụ công việc chuyên môn… là những câu hỏi bức thiết từ lâu, đến hiện nay vẫn thế.

Điều quan trọng là chúng ta đồng hành với trẻ trên hành trình thể hiện tinh thần phản biện, năng lực sáng tạo.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ gieo vào mắt, rơi vào tai trẻ biết bao hình ảnh, thanh âm. Lẽ tự nhiên đứa trẻ nào vừa bi bô học nói và nhận biết mọi thứ xung quanh đã thắc mắc suốt ngày những câu hỏi "Vì sao?" và "Tại sao?". Nghi vấn trong lòng trẻ bật thốt thành câu chất vấn, mày mò tìm hiểu, thử nghiệm đúng sai. Đó chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng tư duy phản biện, sáng tạo của con trẻ.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống lại thường xuyên dội "gáo nước lạnh" vào những hạt mầm tư duy mới vừa nhú lên trong lòng con trẻ. Người lớn chúng ta hay bận bịu với những mối lo toan riêng nên gạt phăng đi những thắc mắc của chúng. Chúng ta còn phê phán "con nít tò mò không tốt" hoặc là đanh thép khẳng định "lớn lên tự khắc biết".

Người lớn chúng ta lo trẻ thiếu an toàn, mất vệ sinh và sợ trẻ đi sai đường, làm sai việc nên thường phủ nhận những mày mò tìm hiểu và thử nghiệm của trẻ. Chúng ta luôn dùng tư duy của bản thân để ép con phải đi theo con đường mình chọn sẵn, bước trên lối đi do cha mẹ dọn sẵn. Học môn gì, học ở đâu, đăng ký ngành nghề nào… trẻ đều mất quyền tự quyết. Dần dần, con trẻ đánh mất chính kiến cá nhân, đánh rơi tư duy phản biện, sáng tạo trong hành trình khôn lớn.

Đến trường, trẻ học hành theo chương trình ấn định sẵn từng bài, mỗi bài có những yêu cầu cần đạt riêng. Thi cử, kiểm tra muốn đạt điểm cao phải bảo đảm từng gạch đầu dòng trong đáp án. Cơ hội và điều kiện nào để tư duy phản biện và sáng tạo của trẻ có dịp vun bồi và phát huy? Khó lắm thay…

Để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của trẻ, tôi nghĩ điều tiên quyết cần thay đổi chính là nhận thức của người lớn trong cách giáo dục. Hãy thôi áp đặt chúng đi vào lối mòn tư duy xưa cũ, hãy tôn trọng tiếng nói cá nhân và chính kiến của trẻ, hãy tạo môi trường gia đình và học đường thân thiện, cởi mở để trẻ mạnh dạn bày tỏ ý kiến.

Điều quan trọng là chúng ta cần đồng hành với trẻ trên hành trình thể hiện tinh thần phản biện, năng lực sáng tạo để kịp thời động viên cũng như uốn nắn những thiếu hụt trong văn hóa ứng xử.

Bên cạnh đó, những thay đổi cần thiết từ chương trình giáo dục, giảm tải kiến thức, tăng cường trau dồi năng lực và những đổi mới về phương pháp dạy học, cải tiến cách thức kiểm tra thi cử sẽ là tiền đề vun xới mảnh đất màu mỡ để trẻ thể hiện dấu ấn cá nhân trong nhận thức và hành động.

Khơi lên tư duy phản biện, sáng tạo cho người trẻ, đó là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi bản lĩnh của phụ huynh lẫn giáo viên, sự đổi thay từ gia đình đến trường học!