Chớ nên chủ quan với hiện tượng rong kinh kéo dài vì những hệ lụy khôn lường
Nội dung bài viết:
Rong kinh là gì?
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài trong khoảng 28 - 32 ngày, thời gian hành kinh trung bình 3 - 5 ngày, mất đi khoảng 50 - 80ml máu. Máu kinh thường có màu đỏ sẫm, đặc biệt là máu không đông, có nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc âm đạo, tử cung và các vi khuẩn có sẵn trong âm đạo.
Khái niệm này cần phân biệt với rong huyết. Đây cũng là tình trạng ra máu kéo dài trên 7 ngày, nhưng không mang tính chu kỳ. Lượng máu có thể ít, trung bình hoặc nhiều. Trong trường hợp rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày sẽ trở thành rong huyết và được gọi là rong kinh rong huyết.
Nguyên nhân gây rong kinh kéo dài
Nguyên nhân gây rong kinh bao gồm 2 loại: rong kinh cơ năng và rong kinh do nguyên nhân thực thể.
1. Rong kinh cơ năng
Thường gặp ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh. Ở lứa tuổi này, nội tiết tố biến đổi nhiều, lượng estrogen tăng lên đột ngột hoặc giảm mạnh khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều.
Trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi bắt đầu có kinh nguyệt, các bạn gái thường có vòng kinh không đều. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài 21 - 40 ngày, lên xuống 10 ngày giữa các chu kỳ. Rong kinh đôi khi đi kèm với cường kinh, nhất là khi trước đó phụ nữ có một vòng kinh dài bất thường.
2. Rong kinh do nguyên nhân thực thể
Do các tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng như: viêm nội mạc tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư cổ tử cung, ung thư nguyên bào nuôi, ung thư nội mạc tử cung...
Ngoài ra, rong kinh có thể do sử dụng một số thuốc tránh thai (đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp).
Phụ nữ béo phì, hút thuốc lá hoặc bị mắc các bệnh như đái tháo đường, viêm gan mạn, rối loạn máu đông, các bệnh tim và thận... có nguy cơ bị rong kinh cao hơn người bình thường.
Biểu hiện của rong kinh là gì?
Biểu hiện của rong kinh bao gồm:
- Chu kỳ bình thường nhưng thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
- Kinh nguyệt ra nhiều, phải thay băng liên tục, đặc biệt là ban đêm.
- Máu kinh đông thành từng cục.
- Đau bụng dưới.
- Người mệt mỏi, da tái sạm, thở dốc, có hiện tượng thiếu máu.
Rong kinh kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Vì vậy, phụ nữ khi bị rong kinh hoặc nghi ngờ rong kinh cần đi khám để các bác sĩ tiến hành thăm khám, tìm nguyên nhân và đưa ra phương hướng điều trị kịp thời.
Bị rong kinh có nguy hiểm không?
Nhiều phụ nữ bị rong kinh nghĩ rằng đó là hiện tượng bình thường, không gây nguy hiểm nên thường chủ quan. Tuy nhiên, rong kinh kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và dẫn đến những biến chứng tác động xấu tới khả năng sinh sản. Những biến chứng nguy hiểm của rong kinh bao gồm:
- Rong kinh kéo dài gây mất máu rỉ rả, về lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu mạn ngày càng nặng dần với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, giảm khả năng lao động gắng sức, kém tập trung, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng...
- Rong kinh gây mệt mỏi, cơ thể xanh xao, khó thở, chóng mặt.
- Rong kinh đôi khi còn kèm theo ra khí hư, đau bụng dưới, căng tức ngực... làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Về mặt tâm lý, người phụ nữ sẽ luôn có cảm giác khó chịu, thậm chí sợ hãi mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt cũng như về quan hệ vợ chồng.
- Việc ra máu liên tục vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm. Thậm chí, vi khuẩn có thể tấn công vào âm hộ, buồng tử cung. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý gây vô sinh.
- Rong kinh do nguyên nhân thực thể còn là dấu hiệu cho thấy các bệnh liên quan đến tử cung và buồng trứng. Nếu bị rong kinh kéo dài cần đi khám càng sớm càng tốt để không gây biến chứng nguy hiểm.
- Ngoài ra, có thể do thiếu kiến thức và chủ quan, tư tưởng e ngại, nhiều chị em nghĩ rằng những bất thường này do thay đổi thời tiết, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi...
- Do đó, họ đã vô tình trì hoãn điều trị, bệnh lý ngày càng phát triển trong cơ thể và gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Lúc này, việc điều trị đôi khi đã muộn màng.
Chẩn đoán rong kinh như thế nào?
Chẩn đoán dựa trên tiền sử, khám thực tế và xét nghiệm máu kiểm tra thiếu máu. Thiếu máu xảy ra khi phụ nữ mất máu quá nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt kéo dài.
Siêu âm.
Thử PAP: bác sĩ lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt cổ tử cung để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào hay không.
Sinh thiết nội mạc tử cung, nong nạo tử cung: lấy mẫu mô nội mạc tử cung để kiểm tra ung thư nếu nghi ngờ nguyên nhân gây rong kinh là do ung thư ở tử cung.
Soi ổ bụng: quan sát các cơ quan trong bụng thông qua một đường rạch nhỏ.
Chụp tử cung vòi trứng: đưa một chất cản quang vào tử cung và ống dẫn trứng để chụp và bác sĩ sẽ quan sát tử cung trên phim X-quang.
Soi tử cung: sử dụng một ống kim loại có gắn máy ghi hình đưa qua cổ tử cung đến tử cung để quan sát.
Rong kinh và cách điều trị
Khi bị rong kinh, phụ nữ nên thực hiện theo hướng dẫn sau:
Nằm nghỉ nếu bị ra máu quá nhiều.
Giữ sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Bị rong kinh nên ăn gì? Chị em phụ nữ nên duy trì chế độ ăn uống ít thịt và chất béo, bổ sung thêm thực phẩm giàu magie, kẽm, sắt, vitamin B1, B6 và vitamin E.
Chữa rong kinh bằng ngải cứu: theo Đông y, ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu xấu trong chu kỳ kinh. Sử dụng ngải cứu hằng ngày sẽ giúp bệnh diễn tiến tốt hơn.
Đi khám phụ khoa để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh nặng, nhẹ:
- Nếu hiện tượng rong kinh chỉ ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân thường không cần phải điều trị hoặc bác sĩ có thể chữa rong kinh bằng thuốc tránh thai, thuốc bổ sung hormone (như progesterone) và bổ sung sắt để phòng thiếu máu.
- Với trường hợp rong kinh kéo dài, lượng máu ra nhiều, điều trị nội khoa không hiệu quả thì các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi cắt tử cung toàn phần cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân gây rong kinh là do u xơ tử cung, khối u chèn ép các cơ quan khác, gây nhiều biến chứng ác tính,... thì bệnh nhân cũng được chỉ định cắt tử cung hoàn toàn.
Thói quen sinh hoạt khi bị rong kinh kéo dài
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến rong kinh:
- Ăn thực phẩm giàu sắt.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.
- Báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng.
Tóm lại, khi bị rong kinh kéo dài thì chị em không nên chủ quan, nhất là trong độ tuổi sinh sản, đã mãn kinh hoặc đang mắc các bệnh thực thể. Lúc này, chị em nên đến bệnh viện chuyên khoa để chẩn đoán sớm, có hướng điều trị phù hợp, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....