Đột quỵ mà không biết

Ông Đỗ Duy Th. 52 tuổi (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) vừa được bệnh viện Đại học Y Hà Nội “trả về” vì vô phương cứu chữa.

Theo người thân của ông Th., cách đây 4 ngày, ông Th. vẫn đi làm bình thường nhưng đến công ty ông Th. xuất hiện đau đầu nên công ty gọi con gái ông đến đưa ông Th. về nhà nằm nghỉ. Ông về nhà nằm nghỉ đến trưa nhưng không dậy ăn trưa. Con gái thấy ông nằm im tưởng ông ngủ.

Khoảng 2h chiều, con ông đưa cho bố một hộp sữa hút để uống, lúc này tay chân trái đã liệt và uống sữa vào lại bị đẩy ra. Ông Th. còn đi vệ sinh ướt hết quần áo chăn, ga.

Cả nhà tá hoả gọi xe cấp cứu đưa ông vào bệnh viện. Tại đây bác sĩ cho biết ông bị tai biến mạch máu não và não đã không thể phục hồi do đến viện quá muộn. Sau 3 ngày nằm viện cấp cứu, ông Th. không có tiến triển nên gia đình xin về nhà.

Trường hợp của bà Vũ Thị Hán, (71 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn, các bác sĩ tiến hành tiêm thuốc tiêu sợi huyết và bà Hán may mắn thoát khỏi án tử.

Các bác sĩ đang cấp cứu người bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Theo con trai bà Hán, bà bị cao huyết áp từ mấy năm nay nên lúc nào mọi người trong nhà cũng chủ động giữ gìn vì lo bệnh của mẹ. Sáng sớm hôm đó, bà Hán dậy xuống tầng một và bị ngã quỵ kèm theo cơn đau đầu. Con dâu bà đã thành thục các kỹ năng “chẩn đoán” đột quỵ, thấy bà không thể giơ tay, chân đứng không vững nên nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Bà Hán vào viện và được tiêm tiêu sợi huyết sau 2h xảy ra cơn đột quỵ. 24h sau bà hoàn toàn bình phục không còn dấu hiệu của liệt.

PGS Mai Duy Tôn chuyên gia về đột quỵ cho biết thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Riêng Việt Nam mỗi năm có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ, trong số đó có tới 50% bệnh nhân không thể cứu chữa vì đến viện quá muộn.

Theo PGS Tôn, trong đột quỵ có hai thể, thể nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng Cholesterol máu, hút thuốc lá...

Trường hợp thứ hai là chảy máu não (vỡ mạch) làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não phá hủy và chèn ép mô não. Bệnh có thể khiến cho phần não liên quan bị tổn thương, không thể hoạt động được. Người bị đột quỵ rơi vào tình trạng bỗng dưng đổ gục xuống, hôn mê, đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí tử vong.

3 dấu hiệu cần nhớ

Theo PGS Tôn, mùa đông miền Bắc lạnh giá làm gia tăng các ca đột quỵ. Đa số bệnh nhân đến viện còn chậm trễ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. PGS Tôn cho biết nếu người bệnh đến viện sau 4,5 - 6 giờ có biểu hiện đột quỵ thì cơ hội điều trị tối ưu đã bị bỏ qua. Tế bào não bị chết do thiếu ô xy không thể phục hồi, chính vì thế các bác sĩ gọi "thời gian là não". Nghĩa là càng sớm não càng ít tổn thương.

Khi đã đến quá chậm, người bệnh được cứu sống thì họ cũng phải chấp nhận các di chứng: Hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân…

PGS Mai Duy Tôn - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh minh họa: Internet

Chính vì thế, khi thấy người có hiện tượng đau đầu, đổ gục những người xung quanh có thể xác định sơ bộ có đột quỵ bằng cách yêu cầu thực hiện 3 động tác “Nói - Cười – Chào”.

PGS Mai Duy Tôn khẳng định chỉ cần nhớ ba từ này, bất cứ ai cũng có thể cứu người trong gang tấc. Cụ thể:

Hãy yêu cầu bệnh nhân NÓI - Nếu bệnh nhân nói không lưu loát như thường ngày là có bất thường.

Hãy yêu cầu bệnh nhân CƯỜI - Quan sát nếu thấy khóe miệng, một bên sệ xuống là bất thường.

Hãy yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay lên CHÀO - tay 1 bên nào đó không giữ được rơi xuống trước, điều đó là bất thường.

​"Khi có cả 3 dấu hiệu bất thường, nguy cơ đột quỵ rất cao, trên 95% phải đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể và không cần sơ cứu hay cho bệnh nhân ăn uống gì, đặt bệnh nhân nằm ghế để khỏi tràn dịch vào phổi đề phòng sặc", PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo.