Ai cũng biết rằng cân nặng có ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong những năm gần đây, các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về tình trạng béo phì và nguy cơ mắc phải các vấn đề liên quan ngày càng cao ở con người.

Trong đó, mỡ nội tạng tích tụ ở bụng có thể dẫn tới các tình trạng như bệnh tim, tiểu đường type 2 và thậm chí là một số loại ung thư.

Mỡ nội tạng ở lượng nhỏ đóng vai trò như chất đệm để bảo vệ, giữ ấm các cơ quan trong cơ thể.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy mình có bụng phệ hoặc vòng 2 to hơn trước thì đó có thể bạn đang có quá nhiều mỡ bụng và mỡ nội tạng, gây nguy hại cho sức khỏe.

Với suy nghĩ này, Tiến sĩ Eric Berg, nhà sáng lập và CEO của Dr. Berg Nutritionals (Mỹ), đã chia sẻ những cách tốt nhất để giảm mỡ bụng.

"Mỡ nội tạng là loại mỡ tích tụ xung quanh các nội tạng, đặc biệt là gan. Nếu bạn có mỡ bụng, bạn có thể bị gan nhiễm mỡ", TS Berg cảnh báo.

Ngoài việc ăn quá nhiều và ít tập thể dục, TS Berg nói thêm rằng hormone như insulin và cortisol cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. 

"Insulin là một loại hormone lưu trữ chất béo và nó ngăn cản việc giảm cân. Cortisol là một loại hormone khác có thể gây khó khăn cho việc giảm cân."

Do đó, lời khuyên giảm cân của ông cũng nhằm mục đích giảm nồng độ của các hormone này.

6 lời khuyên của TS Berg để loại bỏ mỡ bụng “cứng đầu” là:

  • Tập thể dục
  • Đạt đến trạng thái ketosis
  • Ăn đúng lượng chất béo
  • Hỗ trợ sức khỏe gan
  • Nhịn ăn gián đoạn
  • Giám sát những gì hiệu quả với bạn

1. Tập thể dục

Ai cũng biết tập thể dục là một cách để giảm cân. Tuy nhiên, Tiến sĩ Berg giải thích rằng một số bài tập cụ thể sẽ hiệu quả hơn những loại khác.

Các bài tập hiếu khí (aerobic) là các bài tập thể dục về sức bền có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và tăng cường giấc ngủ, từ đó hỗ trợ giảm cân.

Trong khi đó, các bài tập cường độ cao có thể tự đốt cháy chất béo.

TS Berg khuyên bạn nên tập các bài tập hiếu khí như đi bộ đường dài hoặc hoạt động thể chất để giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ.

Để đốt cháy chất béo, hãy tập các bài tập HIIT (cường độ cao ngắt quãng) 2 - 3 lần/tuần, chú ý không tập quá sức.

2. Trạng thái Ketosis

Ketosis là trạng thái trao đổi chất xảy ra khi cơ thể bạn đốt cháy chất béo để lấy năng lượng thay vì glucose.

Tiến sĩ Berg nói: "Hãy đưa cơ thể bạn vào trạng thái ketosis. Hãy giảm lượng carbohydrate và đường trong chế độ ăn uống của bạn."

3. Chất béo

Việc liên tục lựa chọn các thực phẩm ít chất béo có thể không mang lại kết quả như bạn mong đợi.

TS Berg giải thích: "Đừng tiêu thụ quá nhiều chất béo trong chế độ ăn kiêng, nhưng cũng đừng áp dụng chế độ ăn quá ít chất béo. Bạn không nên tiêu thụ ít hơn 75 gram chất béo mỗi ngày".

Chất béo được coi là tốt cho sức khỏe bao gồm chất béo không bão hòa đơn có trong thực phẩm như dầu ô liu, bơ, các loại hạt.

4. Sức khỏe gan

Để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, bạn cần bảo vệ lá gan.

TS Berg gợi ý một số phương pháp hỗ trợ sức khỏe gan như giấm táo, kế sữa, thuốc berberine.

Lưu ý. khi uống giấm táo, bạn nên pha loãng một thìa giấm táo với một cốc nước.

5. Nhịn ăn gián đoạn

TS Berg gợi ý bạn có thể áp dụng phương pháp OMAD (một bữa mỗi ngày).

"Nhịn ăn gián đoạn là điều quan trọng nhất để giảm cân nhanh và hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh", TS Berg nói.

6. Giám sát và thích nghi

Một số phương pháp giảm cân có thể hiệu quả với người này nhưng không hiệu quả với người khác.

Do đó, TS Berg khuyên bạn nên lưu ý quan sát xem phương pháp nào hiệu quả hoặc không hiệu quả với bạn.

Hãy cân nhắc tùy theo hoàn cảnh của bạn, tạo các thói quen lành mạnh và duy trì đều đặn.

(Theo Express)