Nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ sau sinh nuôi con bú

Chế độ dinh dưỡng sau sinh hợp lý kết hợp với nghỉ ngơi, tâm trạng thoải mái, tránh lo lắng sẽ không làm ảnh hưởng đến lượng sữa và chất lượng sữa cho con bú.

Sau sinh,phần lớn những bà mẹ cần từ 1800 đến 2200 calo mỗi ngày, và hơn 500 calo nữa (tương đương 3 chén cơm mỗi ngày) nếu cho con bú sữa mẹ.

Những thực phẩm giàu tinh bột như gạo,bánh mì, ngũ cốc, và khoai tây cần được bổ sung trong bữa ăn hằng ngày. Chúng sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể, giảm cảm giác đói, kiệt quệ khi mà chị em vừa phải chăm con, vừa phải cho con bú.

Để đáp ứng được nhu cầu năng lượng hằng ngày cũng nên chia thành nhiều bữa gồm: 3 bữa ăn chính và 2-3 bữa ăn phụ/ngày để giúp cơ thể hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng.

Tháp dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo - Ảnh minh họa: Internet

Tháp dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh cần đảm bảo các nhóm chất sau đây:

Chất đạm (protein): Theo nhu cầu lượng protein là 70-80gam/ngày, protein động vật/protein tổng số ≥ 35%.

Protein có vai trò quan trọng cho sự phát triển, bảo trì và sửa chữa các tế bào. Nguồn cung cấp protein bao gồm: thịt (bao gồm cả cá và gia cầm), trứng, sữa, các loại đậu,...

Chất béo:Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 20-30% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích các bà mẹ sau sinh sử dụng các loại chất béo không no như DHA, EPA… chúng rất quan trọng trong sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.

Những thức ăn có chứa chất béo tốt gồm dầu thực vật, cá hồi, các loại hạt...

Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥400g trái cây, rau củ/ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón.

Nước: Chế độ ăn cho bà đẻ nhiều sữa không thể nào thiếu nước. Để sản xuất đủ sữa, bà mẹ đang nuôi con bú cần uống đủ nước, trung bình khoảng 2,0 – 2,5 lít nước/ngày (tương đương với 12 đến 15 cốc nước).

Chế độ ăn cho bà đẻ cần đa dạng, đủ chất để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và nguồn sữa cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Nhìn chung chế độ ăn cho bà đẻ không cần tránh quá nhiều loại thực phẩm trong giai đoạn này. Kiêng là cần thiết nhưng mẹ cần biết cách chọn lọc chẳng hạn như kiêng ăn thức ăn nhiều muối, thực phẩm tái, sống…là đúng nhưng kiêng các thực phẩm giàu dinh dưỡng là không nên và không cần thiết.

Thực đơn ăn hàng ngày cho bà đẻ không lo thiếu sữa cho con bú

Trong 1 – 2 ngày đầu sau sinh, tốt nhất mẹ nên ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, mì, trứng gà là chính. Không nên ăn thức ăn có nhiều mỡ như: chân giò, thịt gà

Những bà mẹ phải mổ đẻ, sau khi mổ, công năng đường ruột đã hồi phục (khoảng 24 tiếng sau mổ) có thể áp dụng chế độ ăn cho mẹ sau sinh mổ là ăn từng lỏng đến đặc dần. Sau khi người mẹ có thể tự đi đại tiện được, có thể ăn chế độ bình thường.

Cùng tham khảo các món ăn cho mẹ sau sinh sau đây vừa ngon,vừa dễ thực hiện mà lại đảm bảo dưỡng chất cho nguồn sữa về dồi dào.

Móng giò

Móng giò chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein và chất béo. Vì vậy, các món nấu từ chúng đều có tác dụng kích thích sữa và tăng lượng sữa cũng có thể nói là nhiều nhất dành cho bà bầu sau sinh ít sữa.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng ăn quá nhiều sẽ gây dư thừa mỡ, thậm chí khiến sản phụ béo phì. Mỡ tích tụ trong tuyến sữa có thể gây tắc tuyến sữa, hoặc sữa chảy chậm hơn.Vì vậy người nhà cần chú ý đến liều lượng ăn dành cho bà đẻ.

Móng giò là thực phẩm số 1 trong chế độ ăn cho bà đẻ - Ảnh minh họa: Internet

Canh rau ngót nấu thịt bò

Thịt bò chứa nhiều protein, còn rau ngót rất giàu chất xơ và sắt. Sau sinh ăn món canh rau ngót nấu thịt bò giúp bà mẹ nhanh chóng hồi phục các vết thương và có nhiều sữa cho con bú.

Canh cá diếc nấu đậu hũ

Cá diếc chứa nhiều canxi, photpho, chất béo lành mạnh, sắt và vitamin B1. Đậu hũ giàu canxi, sắt, magie, dễ tiêu hóa, ít calo. Canh cá diếc nấu đậu hũ là món ăn giúp mẹ có nhiều sữa, bồi bổ sức khỏe mà không tăng cân.

Canh rau củ thập cẩm nấu sườn non

Rau củ vừa cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, lại vừa giúp mẹ chống ngán nếu đã ăn quá nhiều thịt. Một chút sườn non giúp nước xương ngọt hơn và cũng giàu năng lượng cho tuyến sữa hoạt động tốt hơn.

Thịt ba chỉ kho trứng cút

Món ăn này quen thuộc này rất dễ làm và đưa cơm, giúp người mẹ cảm thấy ngon miệng hơn. Thịt lợn và trứng cút cũng được đánh giá là giàu protein, canxi và photpho cần thiết cho sức khỏe nói chung và hệ xương khớp của hai mẹ con nói riêng.

Đây là món ăn phổ biến trong mâm cơm ở cữ của các bà đẻ - Ảnh minh họa: Internet

Tôm cá kho nghệ

Cũng là một trong những món ăn tốt cho bà đẻ bởi tôm cá giàu canxi tốt cho xương khớp, còn nghệ lại hỗ trợ tái tạo tế bào và nhanh liền sẹo. Tuy nhiên tôm cá có tính hàn, để tránh lạnh bụng thì mẹ sau sinh không nên ăn món ăn này quá thường xuyên.

Cá mòi kho cà chua

Cá mòi rất giàu vitamin D, chất béo bão hòa có lợi cho sức khỏe của cả hai mẹ con. Tuy nhiên cũng giống các loại hải sản khác, cá mòi tính hàn và cũng không nên ăn quá nhiều.
Các món luộc: Rau lang luộc, rau cải xoăn luộc, rau cải cúc luộc, bí luộc, rau mồng tơi luộc…. Đây đều là những món ăn cần bổ sung trong chế độ ăn cho bà đẻ vì chúng giàu chất xơ và vitamin.

Các món xào: Thịt bò xào rau cải, thịt bò xào rau muống (mẹ sinh mổ thì nên lưu ý tránh rau muống trong 3 tháng đầu), đậu que xào thịt lợn, giá xào gan, măng tây xào tôm, rau củ xào thập cẩm… Chúng giúp bữa ăn của mẹ thêm đa dạng dinh dưỡng và kích thích sự ngon miệng.

Phụ nữ sau sinh cũng nên bổ sung thêm các món ăn phụ như sữa ngũ cốc, sữa đậu nành, sữa óc chó, sữa chua dầm hoa quả… và trái cây như táo, đu đủ, thanh long, cam, bưởi… rất tốt cho chị em phụ nữ.

Phụ nữ sau sinh nên bổ sung các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua... - Ảnh minh họa: Internet

Một số lưu ý khác về chế độ ăn cho bà đẻ

Do nhiều nơi còn có những phong tục, tập quán khác nhau mà bắt bà mẹ phải kiêng khem nhiều thứ trong thời kỳ đang cho con bú. Ví dụ: sau đẻ chỉ cho bà mẹ ăn cơm với muối trắng, kiêng thịt, cá vì sợ “tanh” làm con bị tiêu chảy, điều này là không cần thiết và không có cơ sở khoa học.

Các bác sĩ khuyến cáo mẹ nên tránh xa các loại thực phẩm và đồ uống sau:

  • Thực phẩm nhiều gia vị: Nhiều chuyên gia trẻ sơ sinh khuyến cáo mẹ không nên dùng các loại thực phẩm nhiều gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm...vì những gia vị này sẽ làm thay đổi mùi sữa, làm bé không chịu bú hoặc những gây rối loạn tiêu hóa của bé (nôn trớ,tiêu chảy,…).
Dinh dưỡng mẹ sau sinh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sữa vì vậy mẹ cần phải chú ý tránh xa các thực phẩm không có lợi cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet
  • Bà mẹ đang nuôi con bú không nên sử dụng các loại thức uống, đồ ăn có tính chất kích thích, như: rượu, bia, cà phê...
  •  Không ăn các thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc.
  • Trong thời kỳ đang nuôi con bú, các bà mẹ cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc tác động lên hệ thần kinh…, nhìn chung trong giai đoạn này khi sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và nhất thiết phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Giai đoạn sau sinh là giai đoạn mệt mỏi và vất vả nên các mẹ cần chăm sóc bản thân thật tốt. Chú trọng đến chế độ ăn uống hằng ngày để vừa đảm bảo sức khoẻ vừa đảm bảo bé yêu có nguồn sữa dồi dào, chất lượng phát triển khoẻ mạnh và thông minh.