Anh Lê Văn Thọ (49 tuổi, quê Hà Nam) đến bệnh viện khám vì bị bệnh mụn cóc chân điều trị mãi không dứt.

Anh Thọ cho biết cách đây 3 năm ban đầu chân anh lên mụn cơm sau đó nó “đẻ” nhanh ra khắp bàn chân. Anh Thọ đã đi chữa đắp thuốc, lấy hút nhưng không khỏi.

Anh đến nhà thầy lang hút để triệt tiêu mụn cái cơm cho khỏi “đẻ” như giải thích của lương y nhưng sau đó lại tái phát. Mỗi lần tái phát mụn đẻ rất nhanh thậm chí lan ra cả lòng bàn chân, đi lại cũng khó khăn.

Trường hợp của chị Việt Hà (Hà Nội) khổ sở vì chân nở ra mắt cá liên tục. Chị Hà đi điều trị laser rồi áp lạnh nhưng chỉ được 1 thời gian mụn cóc lại tái phát, khiến việc đi lại gặp khó khăn. 

4 năm trước mụn cóc đầu tiên xuất hiện, chị Hà nghĩ đó chỉ là chai chân thông thường nên lấy bấm móng tay tự bấm. Sau đó, mắt cá “đẻ” ra thêm vài cái. Mỗi lần đi lại chân chói đau. Chị đến bệnh viện mới biết lây virus và có thể từ các sàn bể bơi công cộng, khách sạn, lây từ giày dép của người khác.

Lúc này chị Hà mới nhớ bản thân chị có sở thích mua giày cũ hàng hiệu và có khả năng việc thích đi giày cũ hiệu đã dẫn tới nhiễm virus này.

BS CK II Nguyễn Vũ Hoàng – Trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết mụn cóc là do nhiễm trùng ở lớp ngoài của da (lớp thượng bì) bởi một loại virút có tên gọi là human papilloma virus (HPV).

Có nhiều chủng virus HPV khác nhau và mụn cóc ở người thường do một vài chủng trong số các chủng này.  

Nhiễm trùng làm cho da phát triển quá mức và dày lên, từ đó phát triển thành u lành tính còn gọi là mụn cóc, mụn cơm.  

Virus này lại dễ lây lan từ người này sang người khác và có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. 

Mọi người bị lây mụn cóc lòng bàn chân do tiếp xúc với vảy da bị nhiễm trùng - ví dụ như từ sàn của phòng thay đồ công cộng, buồng tắm gia đình và các khu vực xung quanh bể bơi.

Không rõ lý do tại sao một số người bị lây mụn cóc trong khi những người khác thì không, bạn cũng có thể lây qua giày dép, dùng chung tất, khăn cũng có nguy cơ lây nhiễm virus này.

Hình ảnh mịnc cóc. 

BS Hoàng cho biết virus xâm nhập vào da thông qua các vết nứt nhỏ trên bề mặt da. Tình trạng ẩm ướt của da lòng bàn chân có thể làm cho việc nhiễm virút trở nên dễ dàng hơn.

Biểu hiện của mụn cóc ở bàn chân, mụn có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên lòng bàn chân và ngón chân, và thường xuất hiện ở các vùng chịu trọng lực của cơ thể.

Mụn cóc có kích thước khác nhau từ vài milimet đến hơn một centimet. Trên mụn bề mặt sần sùi nhô lên khỏi bề mặt da. Kiểm tra kỹ bằng kính lúp có thể thấy các chấm đen nhỏ.

Một người có thể có một hoặc nhiều mụn cóc lòng bàn chân và cũng có thể có mụn cóc ở các nơi khác trên cơ thể. Một số mụn có thể mọc thành cụm, mụn cóc nhỏ nằm sát nhau hay còn gọi là dạng ‘mụn cóc thể khảm”.

BS Hoàng cho biết hầu như mụn cóc lòng bàn chân không gây ra triệu chứng gì. Một số trường hợp mụn cóc lòng bàn chân có thể khiến cho chúng ta cảm thấy khó chịu như đạp trúng đá hay đau nhức khi đi lại, đặc biệt mụn xuất hiện ở vùng chịu trọng lực của cơ thể.

Khi bị mụn cóc, theo bác sĩ Hoàng, không có cách chữa trị nào được đảm bảo chắc chắn thành công, nhưng một số phương pháp điều trị có thể chữa lành hoàn toàn mụn cóc. Hầu hết mụn cóc sẽ tự khỏi dần theo thời gian và có thể không cần điều trị.

Nhưng ở người có miễn dịch kém thì cân nhắc điều trị. Điều trị không phải lúc nào cũng hiệu quả và có thể tốn nhiều thời gian.

Ngoài ra, việc điều trị mụn cóc lòng bàn chân gây đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng đi lại trong một khoảng thời gian.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo nên chọn giày dép thích hợp, vừa vặn. Giữ chân luôn khô ráo và thay tất thường xuyên. Dùng các miếng đế lót, đệm lót trong giày dép ở vị trí có các mụn cóc để giảm đau hay khó chịu. Không tỉa, chải hoặc cạo khu vực có mụn để tránh lây lan virut.

Ngoài ra, bạn không dùng chung dụng cụ cắt móng tay. Giữ bàn tay khô nhất có thể, vì mụn cóc khó kiểm soát trong một môi trường ẩm. Rửa tay cẩn thận sau khi chạm vào mụn cóc. Sử dụng đồ cá nhân riêng để tránh lây nhiễm mụn cóc.