Nguyên nhân trẻ bị sưng mắt

Sưng mí mắt ở trẻ em sẽ gây ảnh hưởng đến cả mí trên và mí dưới. Đây là hiện tượng viêm hoặc chất lỏng dư thừa trong các mô liên kết xung quanh mắt.

Nguyên nhân do sưng mí mắt có thể do yếu tố bệnh lý hoặc do tác động của yếu tố bên ngoài, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. 

Trẻ bị sưng mắt vì viêm nhiễm hoặc do các tác nhân bên ngoài tác động - Ảnh minh họa: Internet

Đau mắt đỏ: Đây là hiện tượng viêm màng các bề mặt của mắt, được gọi là kết mạc. Nguyên nhân là do vi khuẩn và virus gây ra. Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có những biểu hiện: Sưng nề, gỉ mắt ra nhiều, mắt đỏ, xuất huyết dưới kết mạc, chảy nước mắt…Nếu để lâu có thể dẫn đến những biến chứng vĩnh viễn cho mắt.

Tắc tuyến lệ: Có khoảng 10% trẻ em sơ sinh mắc phải tình trạng này. Triệu chứng chính là mắt bé thường xuyên có nước mắt ngay cả khi bé không khóc. Nguyên nhân là do tuyến lệ bị chặn, do đó những giọt nước mắt không thể thoát ra ngoài. Nếu không điều trị kịp thời, mắt trẻ sơ sinh bị sưng, đỏ và hình thành mủ.

Lẹo mắt hay chắp mắt: Là một loại mụn nhỏ mọc ở bờ mi mắt hay dưới chân lông mi do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn tụ cầu vàng. Lẹo mắt thường xuất hiện, rồi biến mất sau khi điều trị nhưng rất dễ tái phát lại nếu không được điều trị dứt điểm dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Khi bị lẹo mắt bé sẽ khó chịu và chảy nước mắt, đau mí mắt làm mắt sưng - Ảnh minh họa: Internet

Viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc: Do rách, xước giác mạc, dị vật tác động, giữ vệ sinh mắt kém… để lâu ngày dẫn tới tình trạng viêm nhiễm. Các triệu chứng thường gặp như mắt đỏ, có gỉ vàng, hai mí mắt dính lại, tiết nhiều nước mắt…

Bệnh viêm kết mạc rất dễ lây và thành dịch qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp với gỉ mắt của người bệnh.

Viêm bờ mi: Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ bị sưng mắt, viêm đỏ bờ mi, có dịch trắng ở 2 góc trong và ngoài mắt. Viêm bờ mi có thể chữa khỏi hoặc trẻ phải sống với bệnh cả đời.

Dị ứng: Là một nguyên nhân phổ biến của bé bị sưng mí mắt sưng lên. Trong mùa dị ứng, trẻ em dễ bị chảy nước mắt, ngứa mắt. Trẻ em cũng có thể có phản ứng dị ứng với thuốc, thực phẩm và chất tẩy rửa. Thường xuyên dụi mắt để làm giảm cảm giác ngứa có thể dẫn đến sưng.

Ngoài ra, trẻ còn có thể xuất hiện quầng thâm dưới mắt là một phản ứng dị ứng theo mùa mãn tính. Tình trạng này có thể mở rộng đến mí mắt, làm tăng sưng và viêm trong mắt.

Chấn thương trực tiếp vào mắt cũng có thể gây sưng mí mắt: Ở trẻ em, chấn thương mắt thường được gây ra bởi bút chì và các vật sắc nhọn khác như cành cây và đồ chơi. Côn trùng cắn có thể gây ra chấn thương ở mắt, đặc biệt là từ muỗi và bọ ve.

Một số trẻ bị dị ứng với thời tiết, phấn hoa, lông vật nuôi... làm ngứa mắt và dụi liên tục làm mắt bị tổn thương - Ảnh minh họa: Internet

Cách khắc phục, điều trị sưng mắt ở trẻ em

Trẻ bị sưng mắt phải làm sao là thắc mắc của các bậc phụ huynh có con nhỏ, chắc chắn chúng ta sẽ vô cùng lo lắng khi thấy mắt bé bị sưng và viêm nhiễm. Khi trẻ có dấu hiệu trên, cha mẹ hãy thực hiện các biện pháp khắc phục sau:

Uống nhiều nước

Một mẹo dễ dàng và phổ biến nhất đó chính là cho trẻ uống nước. Nếu để rơi vào tình trạng mất nước, cơ thể có xu hướng trữ nước trong các bộ phận cơ thể. Kết quả là trẻ bị sưng mắt khi ngủ dậy.

Ngoài việc bổ sung nước, bạn cũng nên hạn chế cho trẻ ăn nhiều muối, tránh cho bé uống soda, cung cấp đủ nước để cơ thể giải độc tố ra ngoài tốt hơn.

Nếu trong trường hợp ngủ dậy mắt bé bị sưng liên tục trong nhiều ngày liền hoặc do mắc các bệnh viêm nhiễm ở mắt thì có thể sử dụng các thuốc kháng sinh và chống viêm tra mắt cho bé.Cần phải đưa con đến gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Rửa mắt cho bé

Sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào 02 miếng bông gòn khác nhau để tránh lây nhiễm chéo rồi nhẹ nhàng lau mắt cho bé, lấy hết những gỉ ghèn màu vàng bị dính trên đôi mắt của bé. Nên làm nhiều lần thường xuyên để giữ cho đôi mắt của bé luôn sạch sẽ. Trong khi làm phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh bị viêm nhiễm, tránh làm tổn thương mắt bé.

Khác với mũi, phụ huynh không nên nhỏ trực tiếp nước muối vào mắt vì có thể làm ảnh hưởng đến giác mạc.

Rửa mắt bằng nước muối sinh lý để giữ vệ sinh mắt trẻ sach sẽ, tránh bị nhiễm khuẩn - Ảnh minh họa: Internet

Massage tuyến lệ cho trẻ sơ sinh

Đây là phương pháp thông tuyến lệ thường được bác sĩ hướng dẫn để thông tuyến lệ tại nhà.

Lưu ý trước khi tiến hành massage cho bé, cha mẹ cần làm vệ sinh tay sạch sẽ.

Dùng ngón tay massage nhẹ nhàng góc mắt của bé, bắt đầu di chuyển từ góc trong của mí mắt về phía mũi của con. Khi massage sẽ gây áp lực nhẹ nhàng đến ống dẫn, giúp thông chất lỏng khỏi những đoạn bị tắc và mở chúng ra.

Mỗi lần massage như vậy kéo dài trong khoảng từ năm đến mười phút, ít nhất sáu lần một ngày.

Massage tuyến lệ ở trẻ sơ sinh giúp làm thông tuyến lệ - Ảnh minh họa: Internet

Chườm lạnh

Bạn có thể chườm bằng đá hoặc thìa lạnh. Để thìa inox nhỏ vào ngăn đông của tủ lạnh, sau 10 phút lấy ra rồi chườm vào hốc mắt trẻ. Khi hết lạnh hãy thay thế bằng chiếc thìa khác, cứ thực hiện tương tự như thế trong vòng 15 phút.

Lưu ý: Không nên áp sát hốc mắt bé. Giữ khoảng cách an toàn để da bé không tiếp xúc trực tiếp với thìa để hạn chế tình trạng bỏng lạnh.

Bạn cũng có thể dùng nha đam và khoai tây, là hai loại nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên có khả năng làm dịu da. Bạn cắt phần thịt nha đam hoặc một lát khoai tây mỏng đắp lên vùng mắt trẻ, giữ yên trong vòng 15 phút để làm dịu tình trạng bỏng rát, đau nhức ở khu vực này.

Nha đam có tác dụng làm dịu, giảm sưng mí mắt ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp con phải sử dụng kháng sinh để điều trị, cha mẹ cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng có thể làm bệnh tình chuyển biến nặng hơn và khó điều trị hơn, có thể dẫn tới mù vĩnh viễn.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn vì vậy cha mẹ cần có biện pháp bảo vệ, giữ gìn đôi mắt cho con. Hướng dẫn con rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi đi học hoặc đi chơi về, không sử dụng chung các vật dụng như khăn lau mặt, thuốc nhỏ mắt... với người đang mắc bệnh về mắt.

Cha mẹ cũng cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, B2... cho mắt sáng khoẻ, giúp bệnh mau khỏi.

Những bệnh lý liên quan đến mắt dù nặng hay nhẹ cũng cần được điều trị đúng cách và kịp thời để tránh những biến chứng xấu nhất, với trẻ bị sưng mắt cũng vậy. Phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ bị sưng toàn bộ mắt rất nghiêm trọng, trẻ kêu đau khi mở mắt hoặc khi cố gắng để di chuyển mắt hoặc sưng kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao, nhìn kém.