Lo lắng vì con sút cân

Cân nặng của bé luôn là nỗi trăn trở của nhiều bậc cha mẹ khi nuôi con. Bảng cân nặng, chiều cao hàng tháng luôn là thước đo của nhiều bậc phụ huynh để theo dõi bé có đạt chuẩn hay không.

Chị Nguyễn Mai Anh (quận 2, TP.HCM) chia sẻ con gái chị 13 tháng, sau khi bé bị sốt siêu vi, bé bị sụt mất 2 kg. Chị tích cực cho con ăn và uống sữa nhưng cân nặng của con vẫn chưa tăng nhanh được.

Cũng cùng nỗi lo lắng khi cân nặng con lâu tăng, chị Thu Hà (quận 7, TP.HCM) liên tục mua các loại cốm, thực phẩm thực phẩm chức năng cho con gái 4 tuổi để bé nhanh lên ký. Vì trong lớp, bé có cân nặng gần như nhẹ nhất.

Chia sẻ về vấn đề cân nặng của trẻ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Khoa dinh dưỡng Nhi Bệnh viện Hoàng gia Worcester (Vương quốc Anh) cho biết cân nặng của trẻ sẽ có sự điều chỉnh trong từng giai đoạn khác nhau.

Trẻ sút cân là nỗi lo lắng muôn thuở của nhiều bậc cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, giai đoạn trước 12 tháng tuổi, bé sẽ tăng cân nhanh trông bụ bẫm, tròn trịa. Tuy nhiên sau 1 tuổi, cơ thể trẻ bắt đầu tái cấu trúc lại khối mỡ dẫn đến quá trình tăng cân chậm lại. Bé trông gọn người, “roi roi” hơn. Từ đó, nhiều cha mẹ lại lo lắng trẻ không bắt kịp đà phát triển.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh lý giải mỗi đứa trẻ đều trải qua quy luật phát triển này như một cách tái lập quỹ đạo giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh việc tích trữ mỡ ở những cơ quan nội tạng; Tăng khối mỡ và cơ ở những cơ quan cần đốt năng lượng cho giai đoạn chạy nhảy phía sau.

Trong một số thời điểm mang tính biến động, cơ thể trẻ cũng có dấu hiệu sụt cân. Ví dụ: Khi Tết đến, thời gian ăn uống của trẻ bị xáo trộn, thức ăn nhiều bánh ngọt, cơ thể trẻ bắt đầu bật “công tắc” khởi động. Sụt cân là cách để trẻ thích nghi với sự biến động và sẽ ổn định trở lại sau 3 – 4 tuần sau Tết.

Làm gì khi trẻ bị sụt cân?

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh yếu tố cân nặng không phải là duy nhất để quyết định trẻ có khỏe mạnh hay không. Ngoài cân nặng, còn các chỉ số về chiều cao, mức độ nhận thức, giao tiếp của trẻ ở mỗi giai đoạn. Quan niệm trẻ càng mập mạp, càng khỏe mạnh là chưa đúng.

“Tăng trọng lượng cơ thể liên quan đến tăng khối mỡ sẽ là vấn đề đáng lo hơn đáng mừng. Nhiều vấn đề sức khỏe khi trẻ lớn mà khoa học tìm thấy do tăng khối lượng mỡ ở lúc nhỏ quá nhiều như: Tim mạch, vấn đề về nhận thức - giao tiếp, béo phì, đái tháo đường, stress”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh thông tin. 

Không có bất kỳ loại thuốc nào có thể giúp trẻ tăng cân nhanh. Nếu có, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyên không nên cho trẻ sử dụng, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Thay vào đó, cha mẹ có thể làm theo những hướng dẫn sau đây:

Cân nặng không phải là yếu tố duy nhất quyết định trẻ có khỏe mạnh hay không - Ảnh minh họa: Internet

Xem xét trẻ có trải qua khoảng thời gian biến động lịch sinh hoạt nào không. Trẻ sẽ cần 3 – 4 tuần để thích nghi lại nhịp sinh học. Mẹ nên cho trẻ ăn uống như thực đơn thông thường. Nếu trẻ biếng ăn, nên chia thành nhiều bữa phụ.

Theo dõi quá trình sút cân ở trẻ trong 3 tháng. Nếu có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi hoặc đau bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

Sụt cân có thể khiến trẻ trông gầy đi. Nếu trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tư duy nhận thức tốt cha mẹ không nên lo lắng. Chỉ cần theo dõi và giữ chế độ ăn uống hợp lý nếu trước đó bé ăn tốt và linh hoạt cho bé ăn theo nhiều cách (cho bé ăn bốc, dùng muỗng, đũa theo sở thích), cân nặng trẻ sẽ nhanh chóng ổn định.