Thân nhiệt trẻ bao nhiêu độ thì sốt?

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết sốt là một trong những triệu chứng thường gặp khi trẻ bị bệnh. Thông thường, thân nhiệt của trẻ sẽ tự điều hòa, dao động trong khoảng từ 37 độ C ± 0,6 độ C.

Trẻ được xem là sốt khi vùng hậu môn có nhiệt độ từ 38 độ C trở lên. Khi mẹ thấy trẻ nóng hơn bình thường, cần dùng nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt trẻ. Nhiệt độ ở vùng hậu môn sẽ cho kết quả chính xác nhất. Bên cạnh đó, mẹ có thể đo nhiệt độ ở nách trẻ. Nhiệt độ ở nách sẽ thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,5 độ C. Nếu nhiệt độ nách trẻ trên 37,5 độ C thì được cho là sốt.

Cha mẹ nên kiểm tra thân nhiệt trẻ bằng nhiệt kế để biết chính xác trẻ có bị sốt hay không - Ảnh minh họa: Internet

Theo Bác sĩ Thùy Dương, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt,chủ yếu do trẻ bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể trẻ sẽ phản ứng bằng cách tăng thân nhiệt thằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ nhằm loại trừ mầm bệnh.

Vì vậy, sốt không phải là bệnh mà là dấu hiệu cho thấy cơ thể bé đang tích cực chống lại các tác nhân gây bệnh. Điều quan tọng là tìm nguyên nhân gây sốt, không phải hạ sốt bằng mọi cách.

Cần làm gì khi trẻ bị sốt?

Theo lời khuyên của Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, khi trẻ bị sốt nhẹ, mẹ hãy cho  uống nhiều nước cùng một số thức uống dinh dưỡng khác như sữa, nước hoa quả và các loại thức ăn dễ tiêu hóa.

Nếu trẻ sốt quá cao (trên 39 độ C), cơ thể sẽ dễ bị mất nước và rất mệt. Lúc này, cha mẹ nên hạ sốt cho trẻ bằng cách:

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt

Trẻ dưới 2 tuổi nên cho uống thuốc theo liều chỉ định của bác sĩ. Sau 2 tuổi, mẹ có thể cho trẻ uống thuốc thuốc hạ sốt an toàn là acetaminophen (biệt dược Hapacol, Efferalgan,…). Liều thông thường từ 10 – 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần uống. Hai lần uống trong ngày cách nhau ít nhất 6 giờ, Bác sĩ Thùy Dương cho biết.

Trẻ trên 2 tuổi có thể uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nội dung trên hộp thuốc - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, bác sĩ Thùy Dương nhấn mạnh cha mẹ cần tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi trẻ sốt cao liên tục để tránh nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý xem kỹ các thuốc trẻ đang sử dụng cùng lúc có chứa thành phần hạ sốt không để tránh nguy cơ quá liều.

Lau mát cho trẻ

Cha mẹ dùng 5 khăn mềm nhúng nước ấm khoảng 30 độ C vắt nhẹ sau đó lần lượt đắp lên các vị trí: 4 khăn đắp ở nách và bẹn; 1 khăn lau phần cơ thể còn lại (trừ bàn tay, bàn chân). Cần lưu ý, cha mẹ chỉ nên lau mát cho trẻ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt ít nhất 30 phút. Tuyệt đối không lau mát bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh vì có thể gây nhiễm độc cho trẻ.