Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam
Nhiều trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo có thể bị chảy máu cam vài lần trong tuần. Hiện tượng này không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nó lại là nỗi sợ đối với trẻ em và các bậc cha mẹ.
Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ nhỏ. Chúng thường không nghiêm trọng, phổ biến nhất là:
- Trẻ bị cảm lạnh hay dị ứng: Lớp niêm mạc mũi trẻ sưng lên gây chảy máu.
- Trẻ bị chấn thương: Các trường hợp trẻ bị ngã va trúng mũi, bị đạp mạnh vào mũi hoặc đưa tay vọc mũi, nhét vật gì đó vào cũng dẫn đến chảy máu cam.
- Không khí khô: Việc nằm phòng máy lạnh làm cho không khí khô cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam.
Các nguyên nhân vừa nêu sẽ gây sung huyết đám rối kiesselbach (còn gọi là vùng little) là vùng các mạch máu thông nối nằm ở vách sụn trước của mũi dẫn đến hiện tượng chảy máu cam ở trẻ.
Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp hơn làm trẻ em bị chảy máu cam có thể kể đến như: Do cấu trúc bất thường trong mũi (khối u, mạch máu); Các bệnh lý hay thuốc làm máu khó đông (bệnh ưa chảy máu, các bệnh của tiểu cầu, ung thư máu…).
Cách xử lý ban đầu khi trẻ bị chảy máu cam
Khi trẻ bị chảy máu cam cha mẹ đừng nên hoảng loạn kẻo làm con sợ. Mẹ hãy giữ bé ngồi hoặc đứng yên, đầu hơi cúi ra trước rồi dùng ngón cái và ngón trỏ bóp một lực vừa phải lên chóp mũi, giữ nguyên khoảng 10 phút. Mẹ hãy để bé tự làm nếu bé đủ lớn. Điều quan trọng là đừng thả tay ra kiểm tra xem máu còn chảy không khi chưa đủ 10 phút.
Sau 10 phút, mẹ hãy buông tay ra và đợi, nếu máu tiếp tục chảy hãy lặp lại động tác nói trên. Trong 10 phút tiếp theo, nếu máu vẫn tiếp tục chảy mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Mẹ lưu ý không nên để trẻ nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau. Trẻ sẽ nuốt phải máu dẫn đến ói mửa. Đồng thời, không nên nhét khăn giấy, gạc hoặc bất cứ vật dụng nào khác vào mũi trẻ.
Mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức trong các trường hợp:
- Máu mũi trẻ vẫn chảy sau 20 phút bóp mũi.
- Máu chảy quá nhiều và nghẹt mũi kéo dài.
Hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em không nguy hiểm. Để phòng ngừa hiện tượng này, mẹ hãy nhắc nhở bé tránh thói quen ngoáy mũi. Nếu sử dụng máy lạnh, hãy làm ẩm không khí trong phòng trước khi cho bé nằm.
Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương
(Giảng viên bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM)