Vị đắng, chát, tính mát; vối có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ. Có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, giải nhiệt. Ở nhiều miền quê Việt Nam, mỗi khi ăn một bữa có nhiều thịt, mỡ, người ta thường nấu một nồi nước vối đặc để uống cả ngày. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột. Người ta cũng thường phối hợp lá vối với lá hoắc hương làm nước hãm uống lợi tiêu hóa. Theo kinh nghiệm dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá vối đã ủ hoặc đã phơi khô.

Lá vối dùng làm thuốc trị viêm da, đầy trướng bụng, tiêu chảy.

Một số bài thuốc chữa bệnh có vối:

Chữa bỏng: Vỏ cây vối cạo bỏ vỏ thô, rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước, bôi lên khắp chỗ bỏng.

Chữa viêm gan, vàng da: Dùng rễ 200g mỗi ngày, nấu sắc uống.

Chữa viêm da lở ngứa và chốc đầu: Sắc lá vối lấy nước đặc để bôi.

Chữa thấp chẩn cấp và mạn tính: Lá vối tươi 50g, lá kinh giới 50g. Đun sôi kỹ, lấy nước rửa vết loét, kết hợp thuốc mỡ bôi.

Giải độc lá ngón: Lá vối tươi 1 nắm; giã nát, ép lấy nước, thêm ít nước ép lấy nước 2, hợp hai nước cho uống hoặc bơm thẳng vào dạ dày.

Chữa đau bụng, đầy trướng, ăn không tiêu: Vỏ vối 12g, bán hạ chế 8g, cát sâm sao 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa tiêu chảy:

- Lá vối 5-10g, vỏ rộp cây ổi (hoặc búp ổi) 10g, núm quả chuối tiêu khô 10g. Sắc với 400ml, gạn cô lại  còn 100ml, chia uống 2 lần trong ngày.

- Vỏ vối 100g, vỏ sung 100g, lá ổi 100g, lá phèn đen 100g, vỏ cây đại 50g, hạt vải 50g, quế 30g. Sấy khô, tán bột, luyện với hồ làm hoàn bằng hạt đậu xanh. Người lớn uống 2 lần, mỗi lần 12g. Trẻ em tùy tuổi giảm liều.

Chữa bệnh đái tháo đường: Lá vối 20 - 30g. Hãm hoặc sắc uống trong ngày. Người dân vùng Porto Alegre ở Brazil dùng 20g lá vối, 20g lá cây gioi sắc uống thường xuyên để chữa bệnh tiểu đường.