Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với 80.130 người nhiễm bệnh, 2.700 người tử vong và 27.471 người được chữa khỏi trên thế giới, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tính đến 12h ngày 25/2. Thành phố Vũ Hán được cho là nơi bùng phát của dịch bệnh, là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất và cho đến nay vẫn đang phải chiến đấu không ngừng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, những y bác sĩ có lẽ là những người vất vả và hy sinh nhất.

3h sáng ngày 13/2, cô Ran Maomei vốn là một y tá trưởng tại Bệnh viện Nhân dân Tuyên Hán, thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã nhận được một cuộc gọi. Bệnh viện của cô muốn huy động người tình nguyện tới Vũ Hán để giúp người bệnh. Không suy nghĩ nhiều, cô Maomei nhanh chóng đóng gói quần áo rồi lên đường mà không nói tiếng nào với gia đình vì sợ họ lo lắng, ngăn cản.

 

Cô Maomei tình nguyện tới Vũ Hán để giúp người bệnh.

Ngày hôm sau, khi biết cô Maomei tới tâm dịch Vũ Hán, bố mẹ cô cũng không khóc lóc, chỉ gọi điện dặn dò con gái giữ gìn sức khỏe, ăn uống thật tốt để giúp đỡ được nhiều người bệnh. Hai đứa con của cô Maomei được ông bà ở nhà chăm sóc. 

Những ngày ở Vũ Hán đối với nữ y tá Maomei giống như cực hình. Không chỉ phải làm việc vất vả với cường độ cao, cô Maomei còn giống như rất nhiều y bác sĩ khác, phải đối mặt với nỗi lo sợ bị lây nhiễm chéo, sự cô đơn khi xa gia đình và rất nhiều áp lực vô hình khác. Tuy nhiên vì người dân, vì muốn dập tắt dịch bệnh, cô Maomei cùng các đồng nghiệp của mình luôn động viên nhau cùng cố gắng.

Sau khi tới Vũ Hán, nữ y tá Maomei cũng quyết định cạo đi mái tóc nữ tính của mình để chăm sóc tốt hơn cho bản thân của người bệnh. Việc này vừa giúp cô bớt thời gian cho bản thân, đồng thời cũng ngăn chặn virus lây lan. Maomei chia sẻ rằng cô đã khóc khi cạo trọc tóc nhưng cô biết mình không phải là người duy nhất làm vậy.

Nữ y tá Maomei cạo tóc để toàn tâm toàn ý chăm sóc bệnh nhân.

Cô Maomei được cử tới Bệnh viện Ung thư thuộc Đại học Y Vũ Hán và chủ yếu đảm nhận công việc điều dưỡng. Mỗi ngày, cô phải chăm sóc cho hơn 10 người bệnh trong phòng cách ly, không chỉ tiêm thuốc và phát thuốc mà còn giúp đỡ người bệnh cả những sinh hoạt cơ bản như ăn uống, dọn vệ sinh, bởi người thân không được phép vào khu vực này.

"Việc mặc đồ bảo hộ và đeo kính bảo hộ kín mít khiến tầm nhìn của chúng tôi bị hạn chế, hơn nữa việc đeo găng tay cũng làm cho tiếp xúc khó khăn hơn, nên rất bất tiện khi tiêm cho bệnh nhân, thậm chí phải tiêm lại vì nhầm. Rất may là chúng tôi nhận được sự thông cảm của các bệnh nhân", nữ y tá chia sẻ.

Sau khi xong công việc của một ngày và trở về khách sạn riêng, mặc dù rất kiệt sức nhưng cô Maomei cùng các điồng nghiệp vẫn trao đổi qua điện thoại về tình hình của người bệnh, tóm tắt công việc và chia sẻ kinh nghiệm. Vì sự an toàn của đội ngũ y tế, họ phải tự cách ly trong phòng riêng và không được gặp nhau cho tới tận ca tiếp theo.

Cô Maomei cùng các đồng nghiệp vẫn đang chiến đấu với dịch bệnh.

Thế nhưng, những hy sinh đó vẫn chưa là gì so với nỗi buồn phải xa gia đình, đặc biệt là các con. Mỗi lúc rảnh rỗi, cô Maomei lại gọi video về cho gia đình để họ biết cô vẫn an toàn. 

Có một lần sau khi vừa cạo tóc, cô Maomei gọi video để nói chuyện với các con. Cô con gái 3 tuổi vừa nhìn thấy mẹ liền vừa khóc vừa nói: "Cô không phải mẹ con". Câu nói ngây thơ của đứa trẻ khi không nhận ra diện mạo mới của mẹ khiến cô Maomei đau nhói. Thế nhưng sau đó, cậu con trai 8 tuổi của cô Maomei đã nhanh chóng an ủi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ là "anh hùng hói" trong lòng con".

Dù công việc khiến những nữ y tá như cô Maomei quay cuồng và kiệt sức nhưng nhận được sự ủng hộ và thấu hiểu của gia đình, sự biết ơn của bệnh nhân khiến mọi mệt mỏi tan biến hết. "Chăm sóc bệnh nhân để họ nhanh chóng phục hồi, trở về với gia đình chính là mục tiêu của tôi", cô Maomei nói.