Phim hài Tết ra mắt dịp Tết Nguyên đán năm nay tiếp tục bị phản ứng vì tồn tại nhiều cảnh nóng, bị cho là dung tục, phản cảm, câu khách. Thực tế, nhiều năm nay, vấn nạn hài nhảm đã bị báo chí, thậm chí giới trong nghề phê phán, coi đó là sự xuống cấp của hài.

Trước phản ứng của công luận, nhiều nghệ sĩ cũng đã tiết chế, và đầu tư thực hiện sản phẩm chỉn chu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít đạo diễn, diễn viên bất chấp dư luận, thể hiện bằng việc "năm lần bảy lượt" tham gia đóng cảnh nóng, nhạy cảm trong phim hài Tết. Trong đó, không ít gương mặt nổi tiếng, được đông đảo khán giả biết đến.

Quang Tèo không ít bị chỉ trích vì đóng hài phản cảm.

"Cố đấm ăn xôi"

Quốc Anh, là một Nghệ sĩ Nhân dân. Anh có lối diễn duyên dáng, đặc biệt thành công trong vai Lý trưởng. Nhiều vai diễn của anh được khán giả yêu thích vì vừa có sự thâm thúy dân gian, vừa có những nét đặc trưng trong biểu cảm khó ai có được. Nhưng 2 năm trước, anh cũng gây tranh cãi khi đóng Giàng ơi, bản Tò Ca với không ít cảnh bị chê bai là dung tục.

Nhưng trước nhận xét trái chiều của khán giả, Quốc Anh đã thay đổi. Anh từng khẳng định với Zing.vn về việc đã từ chối nhiều kịch bản, và nhất quyết "không đóng phim hài Tết dung tục dù được trả cát-xê gấp 10 lần". Thực tế, năm 2018 và 2019, nam nghệ sĩ đã không còn xuất hiện ở những phim hài nhảm. Sự thay đổi này được đánh giá là tích cực.

Thế nhưng, rất tiếc, không phải nghệ sĩ nào cũng cầu thị như vậy. Quan sát thị trường phim hài Tết miền Bắc năm nay, không khó để kết luận về một chất lượng "thượng vàng hạ cám". Và, cũng không khó để nhận ra, sự quen mặt của những gương mặt gây tranh cãi vì cảnh nóng.

"Lại là Chiến Thắng và Quang Tèo", là nội dung của không ít bình luận phía dưới những bài viết phản ánh về thực trạng câu khách bằng cảnh nóng của phim hài Tết. Bình luận này không phải là không có lý vì Chiến Thắng và Quang Tèo nhiều năm nay tham gia phim hài Tết gây tranh cãi.

Phim hài Tết bị phản ứng nhất trong dịp Tết năm nay là Bản nhiều vợ, trong đó Chiến Thắng và Quang Tèo đóng chính. Nhân vật Ma Sình (Quang Tèo) có cảnh nửa đêm hẹn hò, ôm hôn một trong 4 cô gái trẻ với những góc máy cận hở hang, đáng bị lên án. Lời thoại trong cảnh quay này cũng bị cho là nhảm nhí, nhạt nhẽo, câu khách.

Ngoài Quang Tèo, Chiến Thắng trong phim này cũng có nhiều cảnh bị nhận xét là dung tục, đơn cử như cảnh tự nhiên chạy về nhà bế vợ lên giường, cả hai đều ăn mặc hở hang, và lời thoại không thể đáng chê hơn.

Chia sẻ về cảnh quay bị phản ứng, Quang Tèo tiếp tục biện bạch nội dung phù hợp với kịch bản. Trong khi Chiến Thắng cầu thị hơn, anh thừa nhận nội dung có hạn chế. Tuy nhiên, nam diễn viên đổ lỗi cho đạo diễn, và vì bản thân "cả nể", chưa đọc kịch bản trước nhưng đã đi quay, "bối cảnh lại xa xôi", thấy dở mà bỏ về "cũng khổ anh em ê-kíp".

Chiến Thắng thành thật về việc sẽ rút kinh nghiệm. Thái độ đó được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, liệu anh có thay đổi cho những năm sau hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi lẽ, đây không phải là lần đầu anh bị phản ứng.

Nam diễn viên cũng từng nói "rút kinh nghiệm", nhưng chuyện "đâu vẫn vào đó". Năm sau, Chiến Thắng vẫn xuất hiện, và có thể vẫn bị chê bai. Mặc lòng, chỉ có thể lý giải như diễn viên này nói "tôi cả nể".

Bản nhiều vợ bị chê là nhạt nhẽo, câu khách rẻ tiền.

"Chiếu trên, chiếu dưới"

Trên mạng xã hội, có khán giả bình luận "hài nhảm như Chiến Thắng, Quang Tèo đâu có ai xem". Thực tế, đây là nhận xét có phần chủ quan. Nếu theo dõi, một số phim hài do Chiến Thắng đóng chính, không thể phủ nhận, lượt xem tương đối cao, thậm chí rất cao.

Mặc khác, nếu từng chứng kiến những buổi biểu diễn ở tỉnh của Chiến Thắng hay Quang Tèo, không khó để thấy cảnh người xem chật cứng. Cả hai đều rất đắt show diễn tỉnh, và được đông đảo bà con nông thôn yêu quý. Nhưng giới trong nghề có nhìn nhận không lại là chuyện khác.

Một diễn viên xin phép được giấu tên cho biết: "Dù cùng là nghệ sĩ hài, nhưng đẳng cấp, vai vế mỗi người khác nhau. Khán giả nông thôn, nhu cầu giải trí cao vì không có quá nhiều chương trình nên họ luôn đón nhận nghệ sĩ nồng nhiệt. Nhưng không vì thế mà thể hiện đẳng cấp của nghệ sĩ".

"So sánh là khập khiễng, nhưng làm sao có thể so Chiến Thắng với Công Lý. Công Lý có thể không đắt show diễn tỉnh bằng Chiến Thắng, nhưng Công Lý đóng hài thâm thúy ở Táo Quân, lại còn có các vai diễn trên sân khấu kịch, truyền hình. Một diễn viên nếu chỉ diễn ở diễn tỉnh và đóng hài nhảm dịp Tết, rất khó được ghi nhận", người này nói thêm.

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nêu quan điểm: "Chiếu trên, chiếu dưới là cũng có. Mà thực ra, nhìn anh diễn, và chất lượng vai diễn của anh, người ta biết ngay, anh là loại một hay loại hai".

Thực tế thị trường hài Bắc cho thấy, cũng có những Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tham gia đóng cảnh nóng trong hài Tết. Nhưng rõ ràng, sự nghiệp của họ vẫn còn những vai gây tiếng vang trên sân khấu, truyền hình. Một vài người biết cân bằng, đôi khi vì "cơm áo, gạo tiền", và khi bị chê bai cũng luôn có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Nhưng cũng lại có diễn viên "hết năm nay sang năm khác" bị cho là đóng hài nhảm nhí, gắn bó với thể loại này, và rất khó để khán giả nhớ được một vai diễn để đời, gây ấn tượng. Nhiều người gần như chỉ có tư duy "ăn xổi", "chạy show", thay vì đầu tư cho một vai diễn thực sự.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái lấy một ngạn ngữ để ví von: "Con công, trong cuộc đời của mình có thể có lúc bay thấp hơn con gà. Nhưng con gà thì muôn đời cũng không thể bay cao hơn con công".

Ví von có phần hình ảnh, nhưng cho thấy rõ ràng đẳng cấp nghệ sĩ luôn thể hiện bằng chất lượng vai diễn. Nếu có những vai xuất sắc, đẳng cấp thì đôi khi khán giả còn thông cảm cho một, hai nhảm. Nhưng một người đã không thể có những vai chất lượng, lại quẩn quanh với tranh cãi hài dung tục thì dù có duyên dáng, tài năng cũng lãng phí và đáng lên án.

Nhiều ý kiến cho rằng Trung Hiếu sẽ có hình ảnh đẹp đẽ hơn nếu từ chối đóng một số phân cảnh nhạy cảm, bị cho nhảm.

Hệ quả là không nhỏ

Nhiều ý kiến cho rằng nếu Trung Hiếu không có một vài phân cảnh gây tranh cãi trong phim hài Đại gia chân đất, hình ảnh của anh có lẽ tròn trịa và đẹp đẽ hơn rất nhiều. Trung Hiếu là một tài năng trên sân khấu kịch Hà Nội, anh cũng đóng thành công nhiều vai nội tâm trong phim truyền hình.

Trung Hiếu của truyền hình là Một giờ làm quan (vai Hàn), Ngõ lỗ thủng (anh gù), Đường đời (Khang), Mưa bóng mây (Lân)... Trên sân khấu, là Phó giám đốc Chính trong vở kịch Tôi và chúng ta, Thiện Thiêm trong Ngôi sao lạc trời, Tống Thoại trong Cát bụi, Tình trong Xuân tím, Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ.

Anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi tuổi đời còn rất trẻ vì tài năng được công nhận. Xét trên hài, lối diễn tưng tửng của anh cũng được cho là duyên dáng, khác biệt, nhiều người yêu thích. Nhưng vài năm nay, hình ảnh của anh bị không ít ảnh hưởng do tham gia nhiều phim hài bị cho là nhảm.

Có thể vì "cát-xê" khủng, vì sự cả nể, nhưng rõ ràng, nếu biết từ chối và khắt khen hơn với chính mình, Trung Hiếu sẽ là một hình ảnh được yêu thích hơn. Dù vậy, Trung Hiếu vẫn đang đặt mình vào tranh cãi, khi năm nay anh vẫn có một cảnh bị chê trong Đại gia chân đất, dù cũng có một phim hài Tết chỉn chu là Tết vui phết: Mr Lù.

Tất nhiên, Trung Hiếu là một tài năng, và công chúng cũng thường chỉ lăn tăn hoặc tiếc nuối với tài năng. Còn với không ít diễn viên trẻ, mới vào nghề, "lăn xả" với cảnh nóng để câu khách, hòng gây chú ý khi chưa có bất cứ dấu ấn nào với nghề thì ắt hẳn cũng sẽ sớm bị lãng quên.

"Trẻ thì phải biết trau dồi, cả đạo diễn hay diễn viên cũng vậy, trẻ mà chỉ thích chiêu trò câu khách, làm hài rẻ tiền, vừa không được đánh giá cao lại sớm trôi vào quên lãng", một khán giả bình luận, ngay dưới một bộ phim hài Tết 2019.