Năm 2018, cùng với loạt bài phản ánh về thực trạng hài nhảm nhí, câu khách bằng cảnh nóng dung tục, phản cảm của nhiều bộ phim hài Tết, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia cũng đã lên tiếng phê phán về chất lượng đi xuống của phim hài Tết trong vài năm trở lại đây.
Sau một năm, phim hài Tết 2019 vẫn tiếp tục phát triển, với nhiều bộ phim được thực hiện, không ít phim có hàng triệu lượt xem, được đông đảo khán giả quan tâm. Theo quan sát của phóng viên, số lượng phim hài Tết năm nay tương đương mọi năm. Cảnh nóng câu khách, phản cảm tuy được tiết chế ít nhiều, nhưng vẫn ở mức đáng báo động, nhiều phim vẫn "cố đấm ăn xôi".
Vắng bóng hài dân gian
Một trong những tiếc nuối của phim hài Tết tại thị trường phía Bắc năm nay là việc thiếu vắng sản phẩm hài Tết mang đậm chất dân gian do sự ra đi đột ngột của đạo diễn Phạm Đông Hồng.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng qua đời vào tháng 9/2018. Ông là tác giả của nhiều phim hài Tết dân gian, trong đó không thể không kể đến Chôn nhời. Đây cũng là bộ phim đả kích nhiều vấn nạn xã hội, tiêu cực trong năm. Phim đã thực hiện đến phần 5 vào năm 2018 và được đông đảo khán giả yêu thích.
Thế nhưng, năm 2019, cùng với sự ra đi của cố đạo diễn, Chôn nhời cũng đã khép lại. Theo một chia sẻ từ đồng nghiệp của cố nghệ sĩ, trước khi mất, “ông trùm hài Tết” sắp sửa khởi quay dự án phim hài mang tên Tiền duyên, nhưng dự án này cũng khép lại.
Thương hiệu của Phạm Đông Hồng gắn với hài dân gian. Thế nên, hài Tết năm nay vắng bóng hài dân gian so với mọi năm. Thay vào đó, chủ yếu là phim hài có bối cảnh hiện đại với cảnh thành thị, nông thôn và cả vùng núi.
Cảnh nóng vẫn tràn ngập
Năm 2018, phim hài Tết tràn ngập cảnh nóng câu khách gây không ít tranh cãi về chất lượng phim hài. Năm nay, số lượng các phim đã ít hơn những năm trước. Tuy nhiên, nhiều bộ phim vẫn "cố đấm ăn xôi", bất chấp phản ứng của dư luận.
Đại gia chân đất 9 và Bản nhiều vợ là hai phim hài Tết xuất hiện nhiều cảnh nóng và gây tranh cãi nhất dịp Tết năm nay.
Đại gia chân đất 9 vẫn có nhiều cảnh bị cho là phản cảm. Đơn cử như trong tập 4 của phần 9, cô gái tên Hồng ngồi trên vai người kéo xe bò để lấy lại áo mắc trên cây tre. Sau đó, các nhân vật có những động tác không đúng mực, thậm chí tương đối dung tục. Góc máy quay cận cũng lộ những cảnh không đáng có trong một bộ phim.
Ở một phân cảnh khác, để không bị lộ ngực, cô liên tục dùng tay che ngực. Cảnh quay bị nhiều người xem nhận xét là "lố bịch".
Trước cảnh nóng của phim, nhiều khán giả phản ứng ngay trong phần bình luận: "Hài cho ai xem không biết. Hình ảnh phản cảm, chẳng thấy mang đặc trưng mang sắc đẹp văn hóa Tết cổ truyền, lố lăng chứ không phải hài Tết. Trẻ con cũng thích xem hài chứ, nhưng những hình ảnh như vậy thì bảo sao trẻ không dậy thì sớm. Cạn kiệt ý tưởng rồi thì dẹp đi. Phần 1, 2 đâu tệ thế này", một người nêu quan điểm.
Bản nhiều vợ cũng là bộ phim có nhiều cảnh nóng trong dịp Tết 2019. Cụ thể, có 4 cô gái mặc trang phục hở hang từ đầu tới cuối phim, ngay cả trong những phân cảnh phải trèo đèo lội suối. Cảnh nóng như vậy rõ ràng không thể biện bạch với lý do "câu chuyện buộc phải thế" hay "phù hợp với kịch bản".
Ngoài ra, cảnh nhân vật Ma Sình (Quang Tèo) nửa đêm hẹn hò, ôm hôn một trong 4 cô gái trẻ với những góc máy cận thực sự đáng bị lên án. Lời thoại trong cảnh quay này cũng lộ rõ mục đích "câu khách". Ngoài Quang Tèo, Chiến Thắng trong phim này cũng có nhiều cảnh bị nhận xét là dung tục.
Trên mạng xã hội, một khán giả bình luận: "Không hiểu một số diễn viên nghĩ gì hay vì tiền mà bất chấp, đóng những cảnh nóng, dung tục câu khách. Cố đấm ăn xôi, bất chấp dư luận".
Liệu có còn điểm sáng?
Ngoài những bộ phim hài Tết bị nhận xét là "rẻ tiền", câu khách, cũng vẫn còn những tác phẩm giữ vững chất hài Bắc, vừa duyên dáng, vừa gửi gắm những thông điệp xã hội. Những tác phẩm này thể hiện nỗ lực trong việc lấy lại thương hiệu của phim hài Tết vốn đã trở thành một phần không thể thiếu của thị trường giải trí miền Bắc.
Trong đó đáng kể có phim Tết vui phết: Mr. Lù của đạo diễn Mai Long, đã ra mắt trước Tết. Nội dung phim hoàn toàn là bức tranh toàn cảnh về cuộc “đại chiến” bấy lâu nay giữa hai thế giới “đàn ông” và “đàn bà” trong những ngày chuyển giao, đón Tết cổ truyền. Tết Vui Phết : Mr Lù cả phần 1 và 2 đều được đánh giá là "sạch sẽ".
So với phim Đại gia chân đất gây tranh cãi, NSND Trung Hiếu đóng phim này tương đối duyên, chỉn chu cùng với Thanh Hương. Qua những "nghịch cảnh" đàn ông - đàn bà, “dở khóc, dở cười” phim được cho là gửi gắm thông điệp về quyền bình đẳng giới. Thay vì phân biệt “đàn ông” hay “đàn bà”, cả hai cùng nhau giúp đỡ, san sẻ với nhau, đặt vị trí của mình vào người khác trong cuộc sống nói chung và những ngày Tết nói riêng.
Ngoài Tết vui phết: Mr. Lù, một điểm sáng khác cũng phải kể đến là phim Cưới đi kẻo ế phần 3. Phim do NSND Khải Hưng đạo diễn. Đạo diễn Khải Hưng cũng là người nổi tiếng trong việc lên án hài nhảm nhí, dung tục.
Trong phim Cưới đi kẻo ế 3, một vài vấn đề thời sự xảy ra trong năm được đưa vào phim nhưng tương đối nhẹ nhàng, hài hước, trong đó có chuyện BOT.
Theo dõi thị trường phim hài Tết phía Bắc, không khó để nhận ra, nhiều thương hiệu hài được yêu quý và có khán giả. Đó là lý do nhiều phim được thực hiện nhiều phần qua các năm.
Tuy nhiên, chất lượng vẫn "thượng vàng, hạ cám" và là vấn đề đáng bàn. Thậm chí đôi khi, những phim có thông điệp xã hội lại có lượt xem thấp hơn những phim có cảnh nóng gây tranh cãi. Và đó cũng là một thực tế gây đau xót với nhiều người trong nghề.