Cảnh giác với sốc nhiệt
Do tính chất công việc, trong những ngày hè nắng nóng, anh N.H.L. (27 tuổi, sống ở Hà Nội) thường xuyên làm việc dưới ánh nắng Mặt Trời.
Công việc nặng nhọc cùng áp lực khiến chàng trai trẻ bị mất nước vì toát mồ hôi. Tranh thủ thời gian được nghỉ ngơi, anh cố gắng uống nhiều nước nhưng không cải thiện. Cuối ngày làm việc, cơ thể L. mệt mỏi, mất sức, không thể vệ sinh cá nhân mà chỉ muốn đi ngủ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sốc nhiệt là tình trạng có thể xảy ra khi cơ thể tăng nhiệt quá mức. Hầu hết tình trạng này xảy ra khi người dân tập thể dục, lao động, di chuyển trong thời tiết quá nóng, ẩm ướt, không bù đủ dịch đã mất qua mồ hôi.
Đặc biệt, sốc nhiệt cũng có thể xảy ra ở những người lớn tuổi, người có vấn đề về sức khỏe, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Sốc nhiệt là một trường hợp cấp cứu y tế, có thể dẫn đến tử vong nên cần được xử trí, điều trị kịp thời.
Cơ thể một người quá nóng cũng có thể bị "chuột rút do nhiệt" và "kiệt sức vì nhiệt". Tình trạng này không nghiêm trọng như sốc nhiệt nhưng có thể dẫn đến sốc nhiệt nếu không được điều trị sớm.
Người bị sốc nhiệt thường có các triệu chứng như nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C hoặc cao hơn, lẫn lộn hay khó suy nghĩ rõ ràng, nhìn hoặc nghe thấy những điều không có thật (ảo giác), hôn mê, đi lại khó khăn, co giật.
Sốc nhiệt cũng có thể gây ra triệu chứng thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh, da ửng đỏ và nóng, da ẩm hoặc khô, nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút hay yếu cơ, nhức đầu. Khi có những triệu chứng báo hiệu sốc nhiệt, người dân cần gặp bác sĩ để khám, kiểm tra nhiệt độ trực tràng, chẩn đoán phát hiện tổn thương, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang.
Bác sĩ Hà cho hay phương pháp điều trị sốc nhiệt chính là làm mát cơ thể sớm, dùng quạt để thổi không khí trên da ướt, dội nước lạnh lên người hoặc cho người bị sốc nhiệt vào bồn nước đá. Nếu có thể, điều này cần được thực hiện trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ điều trị các vấn đề sốc nhiệt gây ra.
Để chủ động phòng sốc nhiệt, người dân không nên hoạt động quá nhiều dưới thời tiết nắng nóng, cần nghỉ giải lao khi làm việc trong môi trường nóng, ẩm, uống đủ nước (nước lọc hoặc đồ uống thể thao), để không cảm thấy khát, nên uống từng ít một.
Cùng với đó, mỗi người nên tập thể dục sớm, mặc quần áo rộng, không mặc quá nhiều lớp, tránh ngồi trong xe quá lâu.
Đặc biệt, người dân cần theo dõi các triệu chứng chuột rút do nóng hoặc kiệt sức vì nóng. Chuột rút do nhiệt gây ra hiện tượng chuột rút cơ đau đớn. Kiệt sức do nhiệt có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, gây khát, mệt mỏi. Nếu có triệu chứng chuột rút do nóng hoặc kiệt sức vì nóng, người dân nên hạ nhiệt cơ thể ngay tránh bị say nóng.
Để hạ nhiệt cơ thể, người dân có thể xịt nước mát vào người rồi ngồi trước quạt, di chuyển vào bóng râm, đi vào tòa nhà hoặc ôtô có điều hòa nhiệt độ, tắm nước mát, uống nước hoặc đồ uống thể thao, không uống đồ uống có cồn hoặc caffein, cởi bớt quần áo đang mặc, đặt một túi lạnh hay vải mát lên cổ, nách và bẹn.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....