Cảnh báo: Những bệnh thường gặp ở trẻ trong giai đoạn thu – đông
1. Cảm cúm
Cảm cúm là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ trong giai đoạn thu – đông. Đây là bệnh đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, mỗi bé thường bị cảm cúm 6 - 7 lần trong năm, trong có khoảng 10 - 15% trẻ bị cảm cúm nhiều hơn 12 lần.
Trong năm đầu tiên đi nhà trẻ, trẻ có tần suất mắc bệnh cao hơn 50% so với trẻ chăm sóc tại nhà. Đây là bệnh lý hô hấp rất dễ lây lan.
Triệu chứng đầu tiên thường là ngứa họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sau đó là sưng họng, ho, đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn. Nước mũi sẽ chuyển từ dạng lỏng sang đặc quánh và có màu vàng hoặc xanh.
Cha mẹ cần lưu ý:
Cho bé ăn các thực phẩm giàu protein, rau xanh và hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ lạnh khi chuyển mùa.
Luôn giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là các bé mới sinh), nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Với bé trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng cúm cho bé mỗi năm một lần.
2. Quai bị
Cũng thuộc những bệnh thường gặp ở trẻ trong giai đoạn thu – đông, bệnh quai bị thường phát vào mùa đông, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là thời gian giáp Tết.
Bệnh xuất hiện từ những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… do lây lan chủ yếu qua đường hô hấp (hít nước bọt khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi).
Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Sau thời gian ủ bệnh 15 - 21 ngày, virus phát triển ở niêm mạc miệng, sau đó xâm nhập vào máu gây viêm các cơ quan, trong đó viêm tuyến mang tai là thể điển hình nhất.
Trẻ sốt 38 – 39 độ C, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém, viêm và sưng tuyến mang tai, da căng phồng, không đỏ, đau, miệng khô và khó nuốt. Bệnh quai bị thường khởi phát khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh.
Một số bé có biểu hiện sốt cao, ói, bộ phận sinh dục sưng to: Cần phải đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị sớm có thể xảy ra một số biến chứng như viêm não - màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng. Viêm tinh hoàn có thể dẫn đến teo tinh hoàn và có khả năng dẫn đến vô sinh.
Cha mẹ cần lưu ý:
Các bé bị quai bị ăn uống rất khó khăn, cần chọn thức ăn mềm, dễ nuốt, nhiều chất dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước.
Nếu trẻ sốt hoặc quá đau có thể cho thuốc giảm sốt. Không cho trẻ ra ngoài để tránh gió, giữ trẻ trong nhà đến khi vùng sưng tấy có dấu hiệu giảm.
Khi trẻ mắc bệnh tuyệt đối không cho đến trường, nơi công cộng.
Tránh tự ý bôi hoặc đắp, phun những loại thuốc dân gian ở tuyến mang tai đề phòng nhiễm độc vào máu rất nguy kịch.
3. Viêm đường hô hấp trên
Bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa... thường xảy ra với trẻ ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trẻ thường sốt, chảy mũi, ngạt mũi, ho, có đờm. Ngoài ra, không khí lạnh sẽ kích hoạt và làm trầm trọng hơn bệnh hen suyễn.
Cha mẹ cần lưu ý:
Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Không nên để trẻ chơi đùa ở nơi quá lộng gió vào những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.
Tránh các nơi có khí than, khói thuốc, lông gia súc, bụi nhà...
4. Tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ trong giai đoạn thu – đông. Bệnh do virus rota gây ra, kéo dài 3-7 ngày, thường gặp ở trẻ lứa tuổi từ 3-24 tháng.
Trẻ bị tiêu chảy thường sẽ nôn, sau 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước.
Cha mẹ cần lưu ý:
Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để phòng ngừa mất nước do tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy thường biếng ăn, cha mẹ nên chế biến các món ăn dạng lỏng, mềm như súp, cháo… và kiên nhẫn cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ nếu trẻ nôn. Khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ/lần.
Không cho trẻ uống thuốc “cầm” tiêu chảy, ăn lá ổi, hồng xiêm xanh… khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
5. Da khô nứt nẻ
Hiện tượng da khô nứt nẻ tuy không phải là bệnh nhưng lại rất phổ biến vào mùa thu - đông. Nếu không chăm sóc đúng có thể phát triển thành viêm da.
Không khí lạnh - khô là nguyên chính dẫn đến da bị nẻ, khô, bong tróc, ngứa. Thường xảy ra ở mặt, nếu trẻ gãi sẽ càng làm tình hình trầm trọng hơn, gây chảy máu và nhiễm trùng, dễ để lại sẹo.
Cha mẹ cần lưu ý:
Đối với trẻ sơ sinh có làn da mỏng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương: Không phải loại thuốc nào cũng sử dụng được và cần phải được chăm sóc đặc biệt, tránh tắm nước quá nóng, nên tắm nhanh, thoa kem dưỡng ẩm da, khi đi ngoài cần che chắn gió lạnh và ánh nắng.
Cho trẻ uống nhiều nước.
6. Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai là căn bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa thu - đông. Triệu chứng phổ biến là trẻ mất ngủ, quấy khóc, trẻ hay kéo tai, đau tai, đau đầu hoặc đau cổ, sốt, buồn nôn và có dịch chảy ra từ tai.
Cha mẹ cần lưu ý:
Cho trẻ rửa tay thường xuyên, vùng tai cần được vệ sinh bằng khăn ẩm. Tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Giữ ấm tai cho trẻ vào mùa lạnh.
Với những bệnh thường gặp ở trẻ trong giai đoạn thu – đông, nếu triệu chứng kéo dài hoặc diễn biến bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh.
Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...