Cảnh báo: Nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh và những hiểm họa khôn lường
Nội dung bài viết:
Các vấn đề thường gặp ở mắt trẻ sơ sinh
Những vấn đề về mắt phổ biến nhất ở trẻ dưới 1 tháng tuổi bao gồm:
Nhiễm trùng
Khi bị vi sinh vật tấn công, hai tròng trắng sẽ nổi nhiều vân đỏ và đôi khi đổ ghèn. Có thể bé đang bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc hay một chứng nhiễm trùng nào đó.
Viêm kết mạc có thể gặp ở trẻ mới sinh được vài ngày tuổi, do nhiễm khuẩn từ đường sinh dục của người mẹ trong quá trình chuyển dạ hoặc do nhiễm khuẩn sẵn từ trong bụng mẹ. Ngoài ra trẻ có thể phát bệnh do lây nhiễm từ môi trường bên ngoài bởi cách chăm sóc, vệ sinh không tốt trong những ngày đầu sau sinh.
Tắc tuyến lệ
Tình trạng này rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, khi nước mắt không thoát được khỏi ống dẫn và chảy xuống má của bé, đồng thời khiến bé bị nổi ghèn nhiều. Mẹ nên lau mắt cho bé bằng một miếng bông gòn sạch đã được thấm nước ấm.
Một mẹo khá hay để thoát khỏi tình trạng này là day nhè nhẹ gần khóe mắt của bé rồi vuốt dọc rìa ngoài sống mũi. Thường xuyên thực hiện thao tác này, mẹ sẽ thấy tình hình được cải thiện đáng kể.
Mắt lé
Vì các cơ mắt còn yếu và chưa hoạt động hoàn hảo, mắt bé có thể bị lé trong vài tháng đầu đời. Tuy nhiên, nếu đã đến 4 tháng mà bé vẫn thường xuyên bị tình trạng này thì mẹ nên đưa con đi kiểm tra.
Có nên nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh?
Trong sữa mẹ có rất nhiều chất dinh dưỡng như đạm, lactose, sắt… hoặc các men tiêu hóa như lipase, amylase… Tất cả các chất này đều giúp phát triển trí não và thể chất cho trẻ.
Ngoài ra, sữa mẹ còn giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều kháng thể như IgA, IgM, IgG, IgE, IgD...
Đặc biệt, sữa non được xem là nguồn dinh dưỡng vô giá mà tạo hóa ban cho người mẹ trong những ngày đầu dành tặng cho con. Colostrum chỉ có trong vòng 72 giờ sau khi người mẹ sinh bé.
Sữa non chứa rất nhiều chất đạm, giàu vitamin A gấp 6 lần so với sữa mẹ thông thường, đặc biệt rất giàu các kháng thể tự nhiên và các vitamin khoáng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng toàn diện cho trẻ, chống lại các tác nhân gây bệnh. Đây có thể là nguyên nhân khiến một số người cho rằng sữa mẹ có thể điều trị bệnh nhiễm trùng mắt cho trẻ.
Có một vài nghiên cứu đánh giá hiệu quả của điều trị nhiễm trùng bằng việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh. Tuy nhiên kết luận cho thấy: mặc dù sữa mẹ rất tốt cho bé, nhưng sữa mẹ chỉ phát huy tác dụng khi sử dụng đúng mục đích như cho trẻ bú, chứ không hề có tác dụng với việc tiêu diệt vi khuẩn hay chữa bệnh về mắt cho trẻ.
Ngược lại, việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh không những không thể chữa bệnh mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt cho trẻ, khiến trẻ dễ mắc các bệnh về mắt.
Đối với những trẻ đang bị các bệnh về mắt, việc nhỏ sữa càng khiến bệnh thêm trầm trọng, thậm chí nguy hiểm hơn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, giảm thị lực của bé.
Điều này được giải thích là do trong sữa mẹ có nhiều chất đạm và các chất dinh dưỡng khác, đây là môi trường cực kỳ lý tưởng giúp vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Một số cách chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh
Vệ sinh mắt hằng ngày
Để tránh các bệnh về mắt, nhất là nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh, mẹ nên rửa mặt cho trẻ sơ sinh (kéo dài đến hết 6 tháng tuổi) bằng nước đun sôi để nguội, lau mắt bằng nước ấm với lượng muối pha loãng.
Đầu tiên, các mẹ hãy nhúng bông gòn sạch vào nước muối ấm để vệ sinh mắt cho bé. Sau đó, các mẹ lau thật nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt ra đuôi mắt. Một ngày vệ sinh mắt cho bé 2-3 lần hoặc lau nhẹ bất cứ khi nào ghèn xuất hiện.
Sau khi thực hiện xong, các mẹ nên giặt khăn mặt của trẻ phơi ngoài nắng, tuyệt đối không dùng khăn mặt của bé để vệ sinh các vùng cơ thể khác.
Massage mắt và hạn chế đổ ghèn cho trẻ
Để có thể giúp mắt bé ngưng đổ ghèn, các mẹ có thể massage mắt bằng cách dùng đầu ngón tay út day nhẹ vùng phía dưới đầu mắt bé. Mỗi ngày các mẹ làm khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 1-2 phút.
Đến bác sĩ kịp thời
Khi mắt trẻ sơ sinh có các dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ hoặc đổ ghèn, hãy đưa trẻ đến khám và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt. Gia đình không nên chần chừ hoặc tự ý điều trị.
Đặc biệt không nên nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh hoặc bất kỳ các loại dung dịch hoặc thuốc gì khác mà không có chỉ định của bác sĩ. Điều này vô tình tạo nên các thương tổn nặng nề hơn, làm chậm việc điều trị và có khả năng dẫn đến mất thị lực và mù lòa vĩnh viễn cho trẻ.
Phòng bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Khi cho trẻ đi ra ngoài nên đeo kính chống bụi, chống nắng để bảo vệ và tránh những tổn thương cho mắt trẻ từ các tác nhân bên ngoài như khói, bụi bẩn, ánh nắng mặt trời…
Chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú cũng rất quan trọng. Hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và tốt cho mắt trẻ. Đặc biệt, mẹ nên ăn nhiều rau xanh, cá, thịt, trứng, sữa đậu nành, dầu mè, hoa quả các loại… để chất lượng sữa là tốt nhất khi cho con bú.
Thêm vào đó, các mẹ cần phải cho trẻ ăn, ngủ đủ giấc, đúng thời gian quy định cũng là một cách bảo vệ mắt trẻ.
Khi xảy ra thời điểm dịch đau mắt đỏ, phụ huynh cần cách ly trẻ khỏi những người bị nhiễm bệnh vì nguy cơ trẻ bị lây bệnh là rất cao, vì nếu trẻ bị lây nhiễm thì sẽ gây những ảnh hưởng nhất định tới thị lực của trẻ sau này.
Thường xuyên để ý các biểu hiện lạ ở mắt của trẻ. Khi có bất cứ dấu hiệu nào lập tức đưa trẻ đi khám, không nên để lâu có thể gây biến chứng khó lường
Thiết kế phòng ngủ của bé sạch sẽ, thoáng mát ở nơi dễ chịu.
Thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho bé, không mua những loại đồ chơi sắc nhọn có nguy cơ làm hại mắt bé.
Thường xuyên cắt móng tay, vệ sinh tay bé sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng hay tổn thương mắt vì trẻ thường có thói quen dụi tay vào mắt.
Trẻ sơ sinh bị đau mắt mẹ kiêng ăn gì?
Cấm kỵ sử dụng đồ tanh
Khi bé bị đau mắt đỏ, mẹ nhớ không nên ăn đồ tanh, hải sản như tôm, cua, cá, ốc…. Tuy trong những đồ ăn này có thành phần dinh dưỡng cao nhưng nó lại gián tiếp tác động lên kết mạc, khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn và lâu khỏi hơn.
Không nên ăn rau muống khi bị đau mắt đỏ
Rau muống có hàm lượng vitamin, kali, chất xơ… rất cao và tốt cho sức khỏe nhưng nó lại là nguyên nhân khiến cho trẻ bị đau mắt bị cộm, ngứa mắt, nhiều gỉ trong mắt… Vì thế, mẹ lưu ý không sử dụng cho bé khi lên thực đơn ăn uống khi cho con bú.
Các thực phẩm nhiều tinh bột
Đồ chứa nhiều tinh bột như xôi, gạo tẻ, ngô, khoai… mẹ không nên ăn nhiều. Những đồ ăn này dễ làm cho bé bị nóng bụng và ảnh hưởng đến mắt.
Đồ cay nóng
Mẹ nên nhớ khi bé bị đau mắt đỏ thì nên tránh hoàn toàn việc sử dụng đồ cay, nóng như ớt, hạt tiêu, hành tây, tỏi… Các loại đồ cay thường khiến cơ thể nóng lên, gián tiếp làm cho mắt cũng cay nóng, rát hơn bình thường và càng lâu khỏi.
Trẻ sơ sinh có thể mắc các bệnh về mắt, có thể ảnh hưởng đến thị lực của bé sau này. Vì vậy việc chăm sóc mắt cho trẻ là rất quan trọng, một trong số đó cần lưu ý là không nên nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh cũng như thuộc lòng một số biện pháp chăm sóc đúng và phòng bệnh mắt hiệu quả cho trẻ.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...