Ra máu bất thường khám ung thư 

Bà Nguyễn Thị N. (60 tuổi, trú tại Hải Dương) cho biết mình đang đi làm giúp việc ở Hà Nội. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần nay bỗng dưng mà N. thấy xuất hiện chảy máu ở âm đạo. Máu không nhiều nhưng bà tự mình vệ sinh. Bà N. đã mãn kinh khoảng 7 năm nay, lần ghé thăm của chu kỳ bất thường này khiến bà lo lắng.

Bà N. gọi điện cho cháu gái thì được cháu tư vấn nên đi khám sản khoa. Vì đang làm giúp việc nên bà ngại nhờ chủ nhà đưa đi. Bà N. nhờ cháu gái đang là sinh viên đưa đến phòng khám sản khoa Bệnh viện Nông nghiệp Hà Nội.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung khám cho bà N. cho biết không thể loại trừ nguy cơ ung thư cổ tử cung. Bác sĩ cho soi cổ tử cung và phết dịch âm đạo. Chỉ cần soi cổ tử cung bác sĩ đã thấy cổ tử cung có u sùi loét gây chảy máu. Dịch âm đạo nhiều tế bào bất thường. 

Bác sĩ khuyên bà N. nên tới Bệnh viện K trung ương để kiểm tra và theo dõi ung thư cổ tử cung. Nghe tới bệnh ung thư, bà N. đánh rơi cả quyển sổ khám trên tay từ lúc nào không biết. 

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung - Ảnh minh họa: Internet

Không riêng gì bà N., trường hợp của bệnh nhân Phạm Minh H. (37 tuổi, trú Hà Đông, Hà Nội) cũng vừa được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Chị H. không có dấu hiệu chảy máu nhưng bị ho và khó thở. Kết quả chụp phổi có u nhưng xét nghiệm không ra ung thư phổi mà là u từ cơ quan nào di căn đến.

Lúc này, soi cổ tử cung tìm ung thư nguyên phát, bác sĩ phát hiện khối u rất to ở cổ tử cung. Chị H, độc thân, có nhiều năm làm ở nước ngoài. Chị H. thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ nhưng lại ngại khám sản khoa vì thế bị bỏ qua các bước sàng lọc ung thư cổ tử cung dẫn đến ung thư giai đoạn cuối.

Sau khi được truyền hoá chất, chị H. không đáp ứng thuốc và gây nên tình trạng hôn mê, phản ứng phụ của hoá chất gây tràn dịch màng phổi. Sau 2 tuần điều trị tích cực, gia đình đã xin bệnh nhân về nhà. Đây là trường hợp đáng tiếc vì ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn. Mặc dù bệnh nhân hiểu được ý nghĩa của việc khám sức khoẻ định kỳ nhưng lại bỏ qua khám sản trong các đợt khám.

Làm gì để phòng bệnh?

Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, sau ung thư vú.

Ung thư cổ tử cung do các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh có thể gặp ở phụ nữ đang trong lứa tuổi sinh đẻ từ 35 – 40 và phụ nữ tiền mãn kinh, sau mãn kinh.

Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Dung cho biết ung thư cổ tử cung được chỉ ra nguyên nhân do bị nhiễm vi rút Human Papillomavirus- HPV lâu ngày dẫn đến loạn sản gây ung thư trong biểu mô và phát triển thành ung thư cổ tử cung.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung là phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con), phụ nữ sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi). Vệ sinh bộ phận sinh dục không đúng cách ,nhiều trường hợp bị viêm cổ tử cung mãn tính cũng có thể tiến triển thành ung thư.

Khi có các dấu hiệu như chảy máu bất thường sau giao hợp, giữa các kì kinh hoặc sau mãn kinh, âm đạo tăng tiết dịch bất thường, hoặc có mùi khó chịu, đau khi giao hợp, đau khi đi tiểu chị em nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Để phòng ung thư cổ tử cung, bác sĩ Dung cho rằng chỉ cần 3 bước đơn giản chị em phải nhớ.

Thứ nhất, tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung HPV theo đúng độ tuổi quy định.

Thứ hai, chị em nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Thứ ba, định kỳ 3-6 tháng nên đi khám phụ khoa. Chị em bị viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, đau vùng chậu, chảy máu bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung... thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.