"Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán để lập tức hành động khi phát hiện nghi vấn có hoạt động buôn người diễn ra", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry trả lời tại buổi họp báo thường kỳ hôm qua ở thủ đô Phnom Penh.

Ông Chum Sounry cho biết trong nửa đầu năm 2022, chính phủ Campuchia đã nhận được đề nghị từ đại sứ quán 9 nước về hợp tác hỗ trợ giải cứu công dân bị lừa sang quốc gia Đông Nam Á này và đưa vào các cơ sở lao động cưỡng ép. Những nước đề nghị hợp tác chống buôn người với Campuchia trong 6 tháng qua gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines và Thái Lan.

Sourny nói Bộ Ngoại giao Campuchia đã phản hồi mọi đề nghị và đang làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết.

 Cảnh sát bắt nghi phạm và tịch thu súng trong chiến dịch truy quét tội phạm buôn người ở Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk, ngày 26/5. Ảnh: Khmer Times.

Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng tuần này nhận định nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế đang lợi dụng tình trạng hạn chế về nguồn lực của giới chức sở tại để tổ chức hoạt động lừa đảo. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ Campuchia sẽ không để yên cho tình trạng này tiếp diễn và đang ra quân truy quét.

Trong thông báo hôm 26/8 của ông Kheng, các cơ quan chức năng Campuchia trong tháng 8 đã phá 7 vụ án buôn người và giải cứu 26 người ngoại quốc đến từ 6 nước. 23 nghi phạm từ 4 nước bị bắt tại các tỉnh Preah Sihanouk, Pursat, Svay Rieng và Oddar Meanchey.

Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người (NCCT) thống kê từ đầu năm tới ngày 20/8 đã xác minh 87 vụ nghi buôn người, giải cứu 865 nạn nhân, đưa ra xét xử 17 vụ với 60 bị cáo.

Dựa trên lời khai của nạn nhân được giải cứu, Bộ Nội vụ Campuchia xác định các đường dây lừa tuyển dụng có chủ mưu ở Campuchia và thành viên ở nước ngoài. Các nạn nhân bị lừa tới Campuchia với lời hứa về "việc nhẹ lương cao". Tuy nhiên, khi đến nơi, họ bị ép làm việc cho những đường dây cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Các nạn nhân bị tội phạm buôn người chuyển từ nhóm này sang nhóm khác trái với ý muốn của họ. Trong một số trường hợp, nạn nhân bị bạo hành và đe dọa nếu không tuân theo mệnh lệnh của nhóm tội phạm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo hôm 25/8 cho biết các cơ quan chức năng đã cứu thoát, đưa về Việt Nam an toàn hơn 500 công dân và hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn người khác tại Campuchia. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người đi lao động trái phép ở Campuchia và phát cảnh báo công dân liên quan đến vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đề nghị Campuchia tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở lao động, đặc biệt là những cơ sở kinh doanh giải trí để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường sử dụng lao động bất hợp pháp, bảo vệ và giải cứu những trường hợp lao động nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam, bị chủ sở hữu bóc lột.