Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong bài viết Nhiều trường ở TP.HCM cấm học sinh (HS) sử dụng điện thoại” trên số báo ngày 21-9. Sau khi bài viết được đăng tải, chúng tôi nhận được ý kiến của ThS Lê Minh Huân, nguyên giảng viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, về vấn đề này. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Lợi bất cập hại

Thông tư 32/2020 ngày 15-9-2020 của Bộ GD&ĐT có quy định HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy điện thoại có rất nhiều lợi ích, với HS, điện thoại hỗ trợ các em trong quá trình học tập như tìm kiếm thông tin tài liệu, trao đổi bài vở, tham gia các nhóm hỗ trợ kỹ năng, nâng cao kiến thức…

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Lê Văn Tám khi không có điện thoại. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tuy vậy, bên cạnh sự hữu ích, nếu sử dụng không đúng cách, sử dụng quá thường xuyên dẫn đến “ghiền” thì điện thoại sẽ mang tới cho các em nhiều thứ có hại, nhiều điều phiền toái vì mạng xã hội vốn đã rất phức tạp với cả những người trưởng thành.

Việc một số trường ra nội quy cấm HS sử dụng điện thoại trong trường, tôi nghĩ các thầy cô đã phải suy nghĩ, cân nhắc nhiều thứ trước đó. HS đến trường là để học, nếu các em cứ “dán mắt” vào chiếc điện thoại bất kể giờ giấc, coi nó như một vật bất ly thân thì làm sao có thể tập trung học tập.

Mỗi một thời điểm, một khoảng thời gian, con người chỉ có thể tập trung vào một đến hai vấn đề, tốt nhất là một vấn đề. Học sinh cần tập trung vào việc học chứ không phải lên trường để chơi game, xem TikTok... Việc giải trí này các em nên thực hiện ở nhà.

Đó là chưa kể ở trường ngoài học ra các em còn được vui chơi, trò chuyện với bạn bè, thầy cô. Chỉ khư khư ôm điện thoại, các em sẽ dần mất mọi kết nối xung quanh… Điều này lợi hay hại?

Em Đức Khải, học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình, gọi điện thoại cho phụ huynh nhờ mang sách vào do để quên. Ảnh: TN

Nhiều năm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều tin về các vụ bạo lực học đường bắt nguồn từ mâu thuẫn của HS trên mạng xã hội. Những xích mích nho nhỏ, những mâu thuẫn tuổi học trò qua thời gian cứ lớn dần, lan truyền trên mạng xã hội mà cha mẹ, thầy cô hầu như không hay biết, chỉ đến khi xảy ra mới tá hỏa.

Cần phải có giải pháp đồng bộ

Tôi ủng hộ việc cấm HS sử dụng điện thoại trong trường, cấm ở mức độ nào tùy thực tế mỗi trường. Nếu cần tìm kiếm thông tin phục vụ học tập, hiện các trường cơ bản đã có các phòng máy kết nối WiFi. Nếu cần liên hệ ra ngoài đã có điện thoại bàn.

Hiện nhiều trường đã chuẩn bị các tài liệu như tranh, ảnh, sách vở, máy tính… ở thư viện để HS tìm hiểu, tra cứu… Mặc dù chúng ta biết nhờ có công nghệ, con người được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng nhưng đọc sách đem lại rất nhiều lợi ích hơn là ôm khư khư chiếc điện thoại bên mình. Ở độ tuổi các em chưa thể kiểm soát cảm xúc, tình cảm, hành vi trước các sự vật, hiện tượng nên việc kiểm soát sử dụng điện thoại ở trường sẽ tăng sự kết nối của HS với thầy cô, bạn bè.

Tách điện thoại khỏi HS trong thời gian ở trường, tôi tin sẽ giúp các em có cơ hội học hỏi từ người khác, không chỉ kiến thức mà còn có thể học được khả năng kiểm soát ngôn ngữ, sử dụng ngôn từ, giao tiếp phi ngôn ngữ, cách sử dụng lời nói khéo léo... Từ đó, hình thành kỹ năng lắng nghe, giao tiếp. Tuy nhiên, để có được điều đó, trường phải dần thay thế điện thoại bằng những trò chơi hấp dẫn, có không gian để HS vận động nhẹ nhàng.

Trường học không chỉ đưa ra quy định mà cần phải có giải pháp đồng bộ để từ đó dần lấp đầy khoảng trống từ chiếc điện thoại. Điều này chỉ đơn thuần quay trở lại những thứ vốn dĩ thuộc về trước kia khi chưa có điện thoại.

Nhiều cách làm hay

Hiện nay, nhiều trường tại TP.HCM cấm HS sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên trường và được phụ huynh ủng hộ.

Tại Cần Thơ: Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết sở không ra văn bản về việc HS được hay không được mang điện thoại vào lớp. Việc này mỗi trường đưa vào nội quy của mình.

Theo ghi nhận của PV, một số trường ở Cần Thơ cũng có nội quy về việc này dưới các mức độ khác nhau. Cụ thể, một trường THPT ở quận Ninh Kiều quy định trước mỗi giờ học, HS bỏ điện thoại vào một túi chung, đến giờ ra chơi hoặc giờ học giáo viên cho phép mới được sử dụng.

Còn tại một trường THCS ở quận Bình Thủy, ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo không cho HS mang điện thoại đến lớp. Em nào vi phạm sẽ bị lập biên bản, tịch thu điện thoại, cuối năm học mới trả lại.

Trường THPT Thực hành Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) quy định vào giờ học, học sinh phải để điện thoại ở túi do nhà trường trang bị gần cửa ra vào hoặc sát bảng viết. Các em chỉ sử dụng điện thoại trong giờ học khi được giáo viên cho phép. Giờ giải lao, khi chưa vào tiết học vẫn được sử dụng bình thường.

Tại Đà Nẵng, cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), cho biết: Từ đầu năm học này, ban giám hiệu nhà trường đã họp với phụ huynh để thống nhất việc không cho HS mang điện thoại đến trường. Khi nào cần điện thoại thông minh để hỗ trợ học tập giáo viên sẽ thông báo.

Để HS có thể liên lạc với gia đình khi cần, trường đã bố trí điện thoại cố định phục vụ các em. Ngoài ra, giáo viên trong trường sẵn sàng hỗ trợ HS và liên lạc thường xuyên với phụ huynh trong mọi trường hợp.
NHẪN NAM - MINH TRƯỜNG ghi