Bác sĩ Trương Chấn Dung, chuyên Khoa gan mật và tiêu hóa đã chia sẻ với Ettoday: Có một nữ sinh trung học và các bạn cùng lớp đã đi chơi ở công viên nước trong thời tiết nắng nóng của mùa hè. Ngày hôm đó cô gái đột nhiên đến kỳ kinh nguyệt, do đó đã tạm thời sử dụng băng vệ sinh tampon. Cả ngày đi chơi cô gái chỉ thay băng vệ sinh một lần. Sau khi trở về nhà vào buổi tối, cô gái nói với gia đình rằng, cảm thấy cơ thể không khỏe và buồn nôn, cô đã ngủ thiếp đi mà chưa kịp tắm, điều này khiến gia đình có chút bất an.

 

 

Cô gái bị sốc độc vì cả ngày chỉ thay băng vệ sinh tampon 1 lần

Theo bác sĩ Trương Chấn Dung, vào ban đêm, người thân trong gia đình phát hiện cô gái bị sốt, ý thức không còn tỉnh táo, đã vội vàng đưa cô gái đến bệnh viện. Trong quá trình xét nghiệm máu, giá trị tế bào bạch cầu của cô gái đã tăng lên hơn 13.000, trong khi đó giá trị bình thường là khoảng 8.000 - 10.000, huyết áp quá thấp chưa đến 90mmHg.

Sau khi được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ tiến hành làm một loạt các xét nghiệm, phát hiện trong máu có Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) phán đoán chắc chắn có nhiễm trùng, nhưng không tìm thấy nhiễm trùng trên toàn cơ thể. Sau khi hỏi người thân mới phát hiện là do cô gái không thay băng vệ sinh tampon trong kỳ kinh nguyệt dẫn đến sản sinh vi khuẩn.

Bác sĩ Trương Chấn Dung giải thích rằng, cô gái bị “hội chứng sốc độc”, bình thường sử dụng tampon từ 3-4 tiếng phải thay một lần. Nếu không thay thường xuyên, tampon thấm hút nước quá mạnh, sẽ khiến vùng riêng tư quá khô, cộng thêm sau khi chà xát sẽ gây ra các vết thương, lúc này vi khuẩn sản sinh trên cơ thể sẽ gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Nữ sinh sau khi nhập viện toàn thân bắt đầu phát ban, thậm chí bong tróc da nghiêm trọng, cuối cùng bác sĩ phải sử dụng kháng sinh mới khống chế được tình trạng của bệnh, giúp cô gái thoát khỏi nguy hiểm.

Băng vệ sinh tampon thấm hút rất mạnh tuy tiện lợi nhưng nếu để quá lâu sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng.

Đề cập đến những nguy hiểm về sức khỏe do tampon gây ra, bác sĩ Trương đã giải thích thêm, băng vệ sinh tampon xuất hiện vào những năm 1980, ở Mỹ đã có hơn 840 trường hợp do sử dụng tampon không đúng cách và thời gian dài không thay băng, dẫn đến mắc hội chứng sốc độc và thậm chí tử vong.

Năm 2018, cô gái trẻ người Canada, Sara Manitoski là một ví dụ điển hình của sai lầm trên khi đã chấm dứt cuộc đời ở tuổi 16 vì để băng vệ sinh quá thời gian mà không thay, khiến vi khuẩn có cơ hội phát triển và dẫn tới hội chứng sốc độc.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng tampon

Mặc dù việc sử dụng tampon vẫn được coi là một lợi thế lớn hơn hẳn so với những biện pháp vệ sinh khác trong ngày “đèn đỏ” song các chị em cũng nên lưu ý một số điều sau:

- Những bạn gái chưa quan hệ tình dục lần nào thì không nên dùng loại băng vệ sinh này.

- Với những phụ nữ bị viêm âm đạo nên ngưng sử dụng tampon vì nó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Thay tampon từ 3-4 tiếng đồng hồ, và lựa chọn loại băng thấm hút phù hợp với cơ thể.

- Có thể dùng tampon qua đêm nhưng lưu ý là đưa tampon mới vào “cô bé” trước khi đi ngủ và lấy ra ngay sáng hôm sau.

- Không dùng tampon thấm dịch không phải là nguyệt san. Điều này nghĩa là tampon chỉ được sử dụng khi bạn có nguyệt san và không sử dụng cho bất kì nhu cầu vệ sinh nào khác. Nếu cần giải đáp liên quan đến dịch âm đạo, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chứ đừng tự ý dùng vật thấm hút nào.

- Không dùng hai tampon cùng một lúc vì dùng cùng lúc hai tampon không những không có tác dụng nhân đôi mà có khi còn tạo ra phản ứng, gây kích thích hoặc khó chịu. Thậm chí, trong một vài trường hợp không kiểm soát được, chị em có thể gặp phải hội chứng sốc độc tố gây nguy hiểm.

Tin liên quan