Sau khi tiến hành xử lý vết thương cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vaccine hoặc huyết thanh phòng bệnh dại.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bệnh dại diễn biến khá phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp không qua khỏi do dại. Mới đây, tại địa bàn phường Tân Lợi, 4 người dân đã bị chó dại tấn công.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn trong việc thực hiện các biện pháp xử lý sau khi bị chó cắn, mèo cào cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại, khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk.

- Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết sau khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên thực hiện các biện pháp xử lý như thế nào?

- Thời gian vừa qua, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Ngành Thú y đã phát hiện rất nhiều ổ dịch bệnh dại trên động vật. Trước tình hình đó, khi bị chó cắn hoặc mèo cào, người dân không nên chủ quan mà cần thực hiện tốt các bước xử lý vết thương đúng cách.

Cụ thể, sau khi bị chó cắn, mèo cào, cần ngay lập tức rửa vết thương dưới vòi nước sạch, rửa bằng xà phòng. Việc làm này sẽ giúp rửa bớt một lượng virus dại (nếu có).

Sau khi rửa vết thương 10-15 phút, người dân có thể dùng 1 số dung dịch sát khuẩn như cồn, cồn iot, dung dịch sát khuẩn betadine… bôi vào vết thương. Đặc biệt, các vết thương do chó mèo cắn, cào không nên băng kín vết thương. Sau khi tiến hành xử lý vết thương cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vaccine hoặc huyết thanh phòng bệnh dại.

Tuyệt đối không nên tự điều trị bằng các cây thuốc nam, phương pháp điều trị Đông y và các phương pháp dân gian truyền miệng không có cơ sở khoa học về hiệu quả và tính an toàn tại nhà.

Sau khi tiến hành xử lý vết thương cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh dại. Ảnh: Quang Nhật.

- Sau khi bị chó cắn, lực lượng chức năng xác định con chó dương tính với virus dại thì người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp nào, thưa bác sĩ?

- Nếu chó cắn vào những vùng có nhiều dây thần kinh thì cơ sở dịch vụ tiêm chủng sẽ tư vấn để người dân tiêm huyết thanh nhằm tạo kháng thể cho cơ thể, trung hòa virus dại. Sau khi tiêm huyết thanh thì sẽ tiếp tục tiêm các mũi vaccine.

Tiêm vaccine phòng dại cần được thực hiện càng sớm càng tốt để làm chậm sự lan tỏa của virus dại lên hệ thần kinh trung ương. Đối với các trường hợp xác định con chó bị bệnh dại, ngoài việc tiêm huyết thanh phải tiến hành tiêm đủ 5 mũi vắc xin phòng bệnh dại vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.

Còn đối với các trường hợp người dân theo dõi được con chó, sau 10 ngày con vật còn sống khỏe mạnh thì chỉ cần tiêm 3 mũi vào các ngày 0, 3, 7 và có thể tiêm thêm mũi thứ 4 vào ngày 28.

- Để phòng chống bệnh dại, bác sĩ có khuyến cáo nào đối với người dân?

- Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, gây nguy hiểm tính mạng đối với người mắc bệnh. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh là việc làm hết sức cần thiết. Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Đồng thời khi nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào ngoài việc xử lý vết thương đúng cách, người dân cần đến cơ sở y tế để được tiêm huyết thanh hoặc vắc xin.

Đây là biện pháp căn cơ để phòng bệnh dại. Đặc biệt, đối với những gia đình có trẻ nhỏ cần hướng dẫn cho trẻ cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

Tin liên quan