Cách sơ cứu dị vật đường thở, bố mẹ cần biết để cứu mạng con lúc cần
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì dị vật đường thở. Đây là loại tai nạn mà nếu không nhận biết và xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc.
Mới đây, bé gái ở TP HCM được mẹ cho ăn cháo hầm xương, vì vô ý chưa lấy hết vụn xương nên bé bị sặc vào đường thở, khiến bé có dấu hiệu ngạt thở. Do không được sơ cứu đúng cách nên dù đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu, lấy mẩu xương vụn ra nhưng bé vẫn bị thiếu oxy lên não, khiến não bị tổn thương với những di chứng nặng nề về sau.
Một em bé cũng đang nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì bị xẹp phổi, khi chụp CT đường thở các bác sĩ mới đồng thời phát hiện có dị vật. Mảnh vụn được lấy ra không xác định được là gì vì đã để quá lâu. "Nếu dị vật nằm quá lâu có thể ảnh hưởng phổi, dẫn đến viêm phổi, làm mủ, hoại tử, áp xe phổi, gây nhiều biến chứng nặng nề...", bác sĩ Tuấn cảnh báo.
Theo bác sĩ Tuấn, việc phát hiện, nhận biết và xử trí đúng hóc dị vật là cực kỳ quan trọng. Cần nghĩ tới dị vật đường thở khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ ngưng thở và tử vong ngay sau đó.
Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý. Cần giữ bình tĩnh và thực hiện theo những bước sau:
Bước 1: Kiểm tra xem bé còn thở không
Nếu bé trở nên tím tái, nhanh chóng kiểm tra ngực bé xem chuyển động lên xuống và lắng nghe nhịp thở.
Nếu bạn nghĩ bé hóc thứ gì đó, cố gắng loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Chỉ làm điều này nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trong họng con. Nếu không nhìn thấy, tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó bạn có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng
Bạn cũng có thể dùng tay kiểm tra mạch đập của bé.
Nếu trẻ bất tỉnh, loại bỏ bất cứ thứ gì có thể thấy ở miệng bé và bắt đầu thực hiện thủ thuật cấp cứu cho đến khi xe cứu thương đến.
Bước 2: Gọi xe cấp cứu
Tốt nhất là nhờ người khác làm việc này, trong khi bạn bắt đầu làm sạch các vật gây nghẹt cho bé.
Bước 3: Vỗ lưng
Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn.
Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ).
Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Bước 4: Ấn ngực
Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
Bước 5: Kiểm tra lại miệng bé và loại bỏ dị vật
Xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...