Cách nấu gạo tấm đơn giản ngon thơm không mất nhiều công sức
Nội dung bài viết
Cách nấu gạo tấm chuẩn ngon như ngoài tiệm không còn là chuyện khó khăn nếu như chị em biết được hai công thức nấu bằng nồi cơm điện và bằng xửng hấp bên dưới. Hãy cùng vào bếp để chiêu đãi cả nhà ngay hôm nay.
Cách nấu cơm tấm chuẩn
Cách nấu gạo tấm bằng nồi cơm điện
Nguyên liệu
150g gạo tấm
Ít muối
Dầu ăn hoặc bơ
Cách chế biến
Đầu tiên, vo sạch 150g gạo qua 3 lần nước. Tiếp theo, ngâm gạo trong nước từ 20-30 phút cho nở, cơm nấu chín sẽ đều và không bị nát. Đủ thời gian, chị em chắt bỏ nước cũ và cho lượng nước mới vào vừa đủ để đem đi nấu.
Nguyên tắc đong nước đối với gạo tấm chính là số chén nước bằng số chén gạo cộng thêm 1/2 chén nữa. Cụ thể, 1 chén gạo nấu cùng 1,5 chén nước hay 2 chén gạo sẽ nấu với 2,5 chén nước.
Trước khi bật nút nồi cơm điện, chị em đừng quên bỏ vào đó 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê dầu ăn hoặc bơ. Việc làm này giúp cho cơm thành phẩm chín đều, có mùi vị, màu sắc hấp dẫn và không bị cháy phần đáy nồi.
Qua thời gian, nồi cơm bật nút. Lúc này, chị em khoan lấy cơm ra mà để yên thêm 15 phút nữa. Như vậy, cơm tấm sẽ khô bề mặt, hạt không dính vào thân nồi, đồng thời chín đều toàn bộ. Cơm nóng hổi thơm lừng đã sẵn sàng, lúc này chỉ cần dọn thêm món mặn đi kèm là cả nhà có thể nâng chén ngay.
Cách hấp cơm tấm bằng xửng
Nguyên liệu
Gạo tấm tùy số lượng người ăn
Ít muối
Cách chế biến
Đầu tiên, ngâm gạo tấm trong nước khoảng 20-30 phút. Sau đó, cho gạo đã ngâm vào xửng hấp có sẵn nước bên dưới. Đừng quên thêm ít muối vào nồi, trộn đều để cơm thành phẩm đạt hình thức bắt mắt.
Tiếp đến, bật lửa to nhất để nước trong nồi nhanh sôi. Chị em canh nước sôi khoảng 2 phút thì hạ lửa đến mức nhỏ nhất và hấp thêm từ 30-40 phút nữa. Thời gian nấu cơm lâu hơn bình thường chính là để gạo có đủ thời gian chín đều, vừa ngon mà không bị nát.
Sau khi đủ thời gian, chị em mở nắp kiểm tra cơm đã chín chưa. Nếu hạt đã đạt độ mềm như ý, bạn tắt bếp và để ủ cơm thêm 10 phút nữa rồi thưởng thức. Trường hợp hạt chưa chín kỹ, có thể hấp khoảng 3-5 phút nữa đến khi cơm chín hẳn.
Các món ngon ăn kèm cơm tấm
Cơm tấm sườn bì chả
Nguyên liệu
500g sườn cốt lết
300g thịt ba rọi xay
200g da heo
200g thịt nạc đùi
3 muỗng canh thính
3 quả trứng vịt
2 lọn bún tàu
2 tai nấm mèo
1 lon nước ngọt
Dưa leo
Cà chua
Sữa tươi
Dầu hào, dầu mè, mật ong, ngũ vị hương
Hành lá, hành tím, chanh, ớt, tỏi
Cách chế biến
Đầu tiên, rửa sạch sườn cốt lết rồi thái thành lát dày khoảng 1cm. Đợi sườn ráo hẳn nước cho vào tô ướp cùng 1 muỗng canh nước tương, mật ong, dầu hào, nước mắm, tỏi băm, 2 muỗng canh dầu ăn, 1/2 muỗng canh dầu mè, 3 muỗng canh sữa tươi, 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, bột ngũ vị hương, 1 lon nước ngọt. Trộn đều gia vị rồi để sườn vào ngăn mát tủ lạnh qua 1 ngày.
Tiếp theo, cạo sạch lông trên da heo. Bắc nồi nước lên bếp luộc chín da, sau đó để nguội thái thành sợi dài. Về phần thịt đùi, ướp thịt cùng 1 muỗng canh tỏi băm, nước mắm, 1/2 muỗng cà phê tiêu rồi cho vào chảo ram cùng ít nước xâm xấp. Nước cạn, thịt vừa chín mềm là có thể lấy ra thái sợi.
Kế đến, thái lát 5 tép tỏi, cho vào tô cùng 2 muỗng cà phê đường, 3 muỗng canh thính, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/4 muỗng cà phê tiêu rồi trộn cùng da heo và thịt thái sợi vừa chế biến xong. Như vậy, chị em đã có cho mình món bì thịt chất lượng để ăn kèm cơm tấm.
Bước tiếp theo là làm chả trứng. Trước tiên, đem nấm mèo, bún tàu ngâm trong nước ấm cho nở. Sau đó, vớt và cắt bún ra thành từng đoạn cỡ 6-7cm, riêng nấm mèo thái sợi. Đập trứng vịt cho vào tô đánh đều, lưu ý chừa lại 1 lòng đỏ trứng vịt trong chén riêng.
Chuẩn bị xửng hấp, cho thịt xay, trứng vịt, bún tàu, nấm mèo vào. Đừng quên nêm thêm 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 1/3 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, hành tím băm để món ăn thêm đậm đà. Sau khi trộn đều, chị em đem hỗn hợp đi hấp trong nồi khoảng 15 phút. Phần lòng đỏ còn chừa đem phết lên mặt chả để tạo màu vàng cam đẹp mắt. Ăn tới đâu, bạn đem cắt chả tới đó sẽ rất ngon.
Một trong những yếu tố không thể thiếu giúp cơm thêm ngon chính là nước mắm. Tỉ lệ pha nước chấm đơn giản gồm các nguyên liệu: 1 muỗng đường, nước mắm ngon, nước lọc (hoặc nước dừa xiêm), 1/2 muỗng giấm. Đầu tiên, chị em đun nước và đường đến khi tan thì để nguội, sau đó mới thêm nước mắm, giấm và nêm lại vừa ăn. Nếu thích ăn cay, chị em xay nhuyễn ớt rồi để vào.
Món cơm tấm sẽ thêm hoàn hảo nếu có mỡ hành rưới bên trên. Để chế biến, chị em xắt nhỏ hành lá và bắc chảo lên bếp đun sôi ít dầu ăn. Đến khi dầu sôi, nhấc nhanh chảo khỏi bếp rồi thêm ít muối, đường, hành lá. Đảo liên tục đến lúc hành ngả màu sậm hơn là hoàn thành.
Thịt trong tủ lạnh có thể lấy ra trước 1 tiếng khi nướng. Việc đơn giản lúc này chỉ là xếp thịt lên bếp than và nướng thật khéo sao cho chín đều các mặt và không khét là được. Thịt nướng trên bếp than vẫn ngon hơn nướng trong bếp điện nên chị em có thể cân nhắc lựa chọn hình thức chế biến phù hợp.
Vậy là các thành phần của món cơm tấm sườn bì chả đã sẵn sàng. Bạn múc cơm ra đĩa, rưới ít mỡ hành lên trên mặt, sau đó xếp dưa leo, cà chua, thịt nướng, bì, chả xung quanh thật bắt mắt kèm chén nước mắm là có thể thưởng thức ngay chẳng cần chờ đợi.
Cơm tấm chay
Nguyên liệu
500g gạo tấm
2 miếng đậu hũ
50g bún tàu
200g sườn non chay
1 muỗng canh bột mì
1 tai nấm mèo
1 trái dưa leo
Chanh, ớt, hành, ngò
Gia vị: xì dầu, ngũ vị hương, tiêu đen, bột cà ri, thính
Cách chế biến
Đầu tiên, đem 1 miếng đậu hũ đi rửa sạch rồi dùng tay bóp nhuyễn, chắt bỏ hết nước. Nấm mèo ngâm trong nước ấm cho nở, sau đó thái nhỏ và trộn đều cùng đậu hũ. Để món ăn thêm ngon, chị em đừng quên nêm vào ít muối, tiêu, đường. Đủ 20 phút, mang hỗn hợp này cho vào xửng hấp cách thủy. Nếu muốn chả chay thêm phần bắt mắt, bạn có thể phết lên mặt chả ít bột cà ri.
Tiếp theo, ngâm sườn non chay trong nước 20 phút. Kế đến, bóp mạnh sườn thật ráo rồi cho vào tô ướp cùng 1/2 muỗng bột ngũ vị hương, 1/2 muỗng canh đường, ít xì dầu, tiêu đen. Khi sườn đã ngấm vị, cho từng miếng vào chảo chiên đến khi vàng ươm thì gắp ra chờ ráo.
Bước tiếp theo, chị em chuyển sang chế biến bì chay. Đầu tiên, mang bún tàu ngâm trong nước cho nở rồi vớt ra, để ráo và cắt khúc ngắn vừa ăn. Bắc chảo lên bếp chiên vàng miếng đậu hũ còn lại rồi thái sợi nhỏ. Kế đến, trộn miến, đậu hũ, 1 muỗng canh thính, 1/2 muỗng cà phê dầu ăn, đường là hoàn thành món bì chay hấp dẫn. Các món ăn kèm đã chế biến xong, chị em chỉ việc trình bày lên đĩa thật đẹp mắt là có thể thưởng thức ngay.
Với 2 cách nấu gạo tấm đơn giản trên đây kèm theo hướng dẫn chế biến cơm tấm sườn bì chả và cơm tấm chay, hi vọng chị em đã bỏ túi được cho mình thêm nhiều công thức nấu ăn ngon để làm mới thực đơn gia đình.
Chúc bạn thành công!
Ăn trứng gà sống có tác dụng gì? Lưu ý khi ăn trứng gà
Nhiều người cho rằng trứng sống chứa nhiều lợi ích hơn trứng gà nấu chín. Vậy ăn trứng gà sống có tác dụng gì, có thực sự tốt không? Cùng tìm hiểu qua bài viết!
Cách làm cơm cuộn không cần rong biển siêu ngon
Với cách làm cơm cuộn không cần rong biển dưới đây, bạn chỉ cần tận dụng các nguyên liệu có trong bếp nhà mình mà không cần phải đi đâu xa. Cùng tìm hiểu ngay!
Cách làm gỏi sứa miền trung giòn ngon ngay tại nhà
Gỏi sứa là một trong những món ăn đặc sản của người miền Trung. Dưới đây là hướng dẫn các cách làm gỏi sứa miền Trung giòn ngon mà bạn không nên bỏ qua.
Chanh dây là 5 công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe nhưng dùng sai cách sẽ hại vô cùng
Chanh dây giàu vitamin A, C, kali và chất xơ hỗ trợ khả năng miễn dịch, tiêu hóa, sức khỏe tim và mắt. Do đó chanh dây là một thực phẩm bổ sung có giá trị trong chế độ ăn uống.