Bà Nguyễn Thị Hà (42 tuổi, Đồng Nai) phát hiện bị đái tháo đường type 2 sau một lần khám bệnh vì cơn chóng mặt, choáng váng. Mặc dù tuân thủ uống thuốc đều đặn nhưng đường huyết của bà vẫn ở mức cao.

Qua khai thác thông tin, bác sĩ nhận định chưa tuân thủ chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân chính. Bà Hà xác nhận vẫn thèm ăn nhiều, chưa bỏ được thói quen ăn vặt dù đã cố gắng. 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho hay đến hiện tại, đái tháo đường vẫn là một tình trạng bệnh lý bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn, đặc biệt là các thực phẩm ngọt, nhiều đường. Thực tế, có nhiều công thức giúp bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn của bản thân.

Theo bác sĩ Ngọc Anh, người bệnh có thể áp dụng 2 phương pháp dinh dưỡng đơn giản sau để ước lượng phần ăn cho người bệnh đái tháo đường.

Khẩu phần ăn của người bệnh đái tháo đường không thể thiếu các loại rau củ. Ảnh minh hoạ: GL. 

Thứ nhất là phương pháp đĩa ăn. Bác sĩ Ngọc Anh cho hay người bệnh có thể sử dụng một đĩa ăn đường kính một gang tay (khoảng 20cm) để ước lượng. Một bữa ăn sẽ bao gồm:

- 1/2 đĩa là rau củ không chứa tinh bột như bắp cải, cải xoong, măng tây, xà lách, củ cải, cà tím, bông cải xanh, cải thảo, su hào, đậu bắp, dưa chuột, rau chân vịt, bông cải Brussel, đậu xanh.

- 1/4 đĩa là chất đạm như gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, tàu hũ.

- 1/4 đĩa còn lại là các thực phẩm chứa tinh bột như khoai tây, cơm, mì, trái cây hoặc một cốc sữa.

- Người bệnh dùng kèm với nước lọc.

Thứ hai là phương pháp bàn tay. Theo bác sĩ Ngọc Anh, phương pháp này giúp ước lượng phần ăn đơn giản dựa trên lòng bàn tay. Một bữa ăn sẽ bao gồm:

- Chất xơ như rau củ với lượng vừa 2 lòng bàn tay.

- Tinh bột hoặc trái cây với lượng vừa 1 nắm tay.

- Chất đạm như thịt cá, trứng với lượng vừa 1 lòng bàn tay.

- Chất béo, bơ khoảng 1 ngón tay cái.

- Khoảng 200ml sữa không đường.

Bác sĩ Ngọc Anh lưu ý các loại mỡ giàu axit béo chuỗi dài như mỡ cá và dầu hạt nên được ưu tiên hơn mỡ động vật. Lượng muối nêm nên giới hạn dưới 2,3 g/ngày, do đó người bệnh đái tháo đường không chấm thêm muối, không thêm nước tương hay nước mắm khi ăn.

Người bệnh tránh sử dụng các loại nước ngọt, bánh kẹo hoặc các thực phẩm giàu đường; nên tập trung vào 3 cữ ăn trong ngày, tránh ăn vặt, nhất là những bệnh nhân đang sử dụng thuốc tiêm insulin.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết kéo dài, dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Đây là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và đoạn chi.

Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến đến tổn thương các cơ quan. Trong đó, để kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần phải tuân thủ chế độ ăn cho người đái tháo đường, có chương trình luyện tập thể dục đều đặn và phù hợp, uống thuốc theo toa của bác sĩ. 

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là căn bệnh đang lặng lẽ đến với người Việt, rất nhiều người mắc bệnh mà không hay biết.

Cụ thể, khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, gần 30% số người được chẩn đoán đang được điều trị; 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Năm 2021, tỷ lệ người lớn mắc bệnh  đái tháo đường tăng gấp ba lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới).