Nguyên nhân trẻ bị viêm kết mạc

Viêm kết mạc là tình trạng viêm nhiễm kết mạc, đây là lớp màng trong suốt bao bọc quanh củng mạc và bên trong mí mắt, lớp màng này tiết ra chất nhờn để bôi trơn bề mặt của mắt. Khi kết mạc bị viêm, mắt sẽ bị đỏ, chảy nhiều nước mắt và ngứa. Hầu hết bệnh xảy ra ở một mắt trước rồi mới lây sang mắt bên kia.

Bệnh viêm kết mạc ở trẻ rất dễ lây lan thành dịch - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ bị viêm kết mạc thường gặp khi trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên vì từ độ tuổi này trẻ hay lấy tay dụi vào mắt và miệng nhiều hơn, do đó dễ làm bệnh lay lan. Đến khi trẻ đi học mẫu giáo thì tiếp xúc với nhiều bạn trong lớp nên sẽ bị thường xuyên hơn.

Bệnh viêm kết mạc rất dễ lây và thành dịch qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với rỉ mắt của người bệnh.

Có 3 nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm kết mạc như sau:

Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là Adenovirus. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân.

Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, Hemophilus influenza... bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vận dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.

Do tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phân hoa, thuốc...): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa. Không lây và muốn điều trị dứt điểm phải tìm được tác nhân gây dị ứng.

Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh sẽ có biện pháp điều trị đặc hiệu riêng.

Dấu hiệu trẻ bị viêm kết mạc

Trẻ bị đỏ mắt, chảy dịch, sưng mí mắt là các dấu hiệu đặc trưng của viêm kết mạc - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ sơ sinh khi bị viêm kết mạc hay bị nhầm lẫn với trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ, các bậc phụ huynh cần nắm rõ các dấu hiệu trẻ bị viêm kết mạc để phân biệt như sau: 

  • Trẻ có triệu chứng khô mắt, trong trắng mắt bị đỏ, tiết dịch giống như mủ khi đó tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, hoặc chảy nước nhiều do tác nhân gây bệnh là virus hoặc dị ứng.
  • Sưng trên mí mắt, sau một đem ngủ dậy mắt trẻ có lớp vảy cứng đóng lại.
  • Trẻ hay dụi mắt do ngứa.
  • Ở một vài trẻ có thêm biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, viêm họng…

Nếu trẻ có những dấu hiệu trên hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời

Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị viêm kết mạc

Trẻ bị viêm kết mạc có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Mặc dù không phải là bệnh về mắt quá nguy hiểm, nhiều loại viêm kết mạc có xu hướng tự khỏi như viêm kết mạc do virus… Tuy nhiên cũng có một số biến chứng đáng quan tâm như:

  • Viêm kết mạc do cầu khuẩn lậu có thể nhanh chóng chuyển sang viêm loét giác mạc và tiếp đó là biến chứng thủng nhãn cầu.
  • Viêm kết mạc do Adenovirus có thể xuất hiện viêm giác mạc chấm nông.
  • Viêm kết mạc mùa xuân: nhú gai quá phát ở kết mạc sụn mi trên có thể gây ra loét trợt nông ở giác mạc.
  • Mắt hột có thể gây lông quặm, sẹo giác mạc, mù, khô mắt, biến dạng bờ mi.
Trẻ bị viêm kết mạc có thể tự khỏi, nhưng bệnh thường gây những khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, học tập cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Điều trị và kỹ năng chăm sóc cho trẻ bị viêm kết mạc

Bố mẹ không nên quá lo ngại khi trẻ bị mắc bệnh vì điều trị viêm kết mạc chỉ từ 5 – 7 ngày là khỏi. Điều lo ngại nhất là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để không lây nhiễm cho cả nhà, coi thường không đi khám ở bệnh viện mà ra cửa hàng điều trị không đúng cách.

Trẻ bị viêm kết mạc cần giữ vệ sinh sạch sẽ để không lây lan bệnh cho người khác - Ảnh minh họa: Internet

Tuỳ vào từng nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp:

  • Viêm kết mạc do virus: bệnh tự khỏi sau vài ngày, cần chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề, rửa mắt bằng nước sạch, tránh khô mắt bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo kháng sinh phòng bội nhiễm vi khuẩn
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn: bác sĩ sẽ kê toa bao gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm để điều trị.
  • Trường hợp do dị ứng sẽ được kê toa thuốc nhỏ hoặc thuốc uống giảm tình trạng dị ứng. Phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân dị ứng để lần sau không bị tái phát bệnh.

Khi trẻ bị viêm kết mạc, cha mẹ nên cho bé nghỉ học ở nhà vài ngày để tránh lây lan cho trẻ khác. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt cho trẻ không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt hoặc lông mi sẽ làm bẩn lọ thuốc.

Đặc biệt khi cha mẹ chăm sóc cho trẻ bị viêm kết mạc phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung khăn với các thành viên khác trong gia đình, rửa tay cho trẻ và bố mẹ thường xuyên trước và sau khi chạm vào mắt, che mũi và miệng khi hắt hơi. Có thể dùng khăn bông riêng, thấm nước đun sôi để hơi ấm rồi lau mắt cho con nhẹ nhàng mỗi khi con ngứa ngáy hay khó chịu do có dịch tiết ra từ mắt.

Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Trẻ thường có biểu hiện hay quấy khóc, không bú, thậm chí sốt cao. Vì vậy, cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc ngoài kết hợp thuốc nhỏ mắt có thể kết hợp thêm kháng sinh đường uống, tiêm tĩnh mạch nếu trẻ bị nhiễm trùng nặng.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm kết mạc cần đầy đủ chất để có sức đề kháng tốt với bệnh. Trong bữa ăn hằng ngày nên tăng cường bổ sung các vitamin A, C, B2 cho mắt sáng khoẻ, giúp bệnh mau khỏi. Những loại vitamin bổ mắt thường có trong các loại rau củ màu cam, đỏ như cà rốt, cà chua, đu đủ… hoặc trái cây như cam, quýt, bưởi…

Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A trong bữa ăn hằng ngày để phòng tránh bệnh về mắt - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ bị viêm kết mạc kiêng ăn gì cũng là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, cha mẹ lưu ý không cho trẻ ăn thức ăn có hàm lượng protein cao như thịt bò, hải sản, cá biển… vì dễ gây phản ứng của cơ thể tăng tiết chất Histamine. Histamine là chất dễ gây mẩn ngứa, dị ứng khiến bệnh trở nên trầm trọng, lâu khỏi.

Ngoài ra, cũng cần cho trẻ tránh xa các thực phẩm, gia vị cay nóng, nhóm thực phẩm nhiều đường như nước ngọt có gas... để tránh tình hình bệnh trở nặng hơn.

Phòng tránh bệnh viêm kết mạc như thế nào?

Mặc dù là bệnh dễ điều trị nhưng khi trẻ bị viêm kết mạc sẽ gây khó chịu trong sinh hoạt, học tập của trẻ. Do đó, bạn cần có biện pháp phòng tránh bệnh cho bé như:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung các vật dụng với người bệnh ví dụ như bao gối, khăn tay, khăn chườm mắt …
Luôn rửa tay cho trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi đi học về - Ảnh minh họa: Internet
  • Không sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
  • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường làm việc ô nhiễm, khói bụi…
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm có lợi cho mắt để mắt luôn khoẻ mạnh.

Hy vọng những kiến thức về dấu hiệu và cách chăm sóc trẻ bị viêm kết mạc sẽ giúp cho bố mẹ có thêm thông tin hữu ích trong việc chăm sóc sức khoẻ cho bé yêu. Dù là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bố mẹ cũng đừng chủ quan, điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.