Ung thư phổi là căn bệnh ác tính có tỉ lệ tử vong hàng đầu. Đây là nỗi ám ảnh cho người bệnh phổi hoặc những người từng hút thuốc lá. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có khoảng 23.667 ca mắc mới ung thư phổi, chiếm 14,4% số ca ung thư mắc mới. Hơn 70%, người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và tử vong chỉ sau một năm phát hiện bệnh.

Ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong đứng đầu trong các loại bệnh ung thư. Bệnh được chia làm 2 loại: Ung thư phổi tế bào nhỏ (15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (85%). Ung thư phổi tế bào nhỏ được đánh giá nguy hiểm nhất trong các loại ung thư bởi khả năng phát triển và di căn nhanh chóng làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác.

Ung thư phổi tế bào nhỏ được đánh giá nguy hiểm nhất trong các loại ung thư - Ảnh minh họa: Internet

Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tốc độ phát triển và di căn chậm hơn, nếu được phát hiện sớm người bệnh sẽ có thời gian điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh cao.

Ở giai đoạn I, khả năng sống hơn 5 năm đến 92%. Tuy nhiên, nếu ung thư được chẩn đoán, phát hiện ở giai đoạn muộn hơn, tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 5%. Vì vậy, cập nhật các phương pháp chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ đóng vai trò quan trọng.

Trong buổi hội thảo “Cập nhật các phương pháp điều trị Ung thư phổi” được tổ chức tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành chẩn đoán hình ảnh, ung bướu trong nước và quốc tế đã cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến việc tầm soát và điều trị ung thư phổi cho bệnh nhân hiện nay. Đặc biệt là sự tham gia của Phó giáo sư James Chung Man Ho, Đại học Hong Kong, bệnh viện Queen Mary (Hong Kong).

Tiến sĩ Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: BVCC

Các chủ đề được trình bày trong buổi Hội thảo tập trung vào phương pháp điều trị Ung thư phổi không tế bào nhỏ, vai trò của tầm soát phát hiện bệnh sớm và phòng ngừa Ung thư phổi nhằm mang lại cơ hội kéo dài thời gian sống cho người bệnh bao gồm:

Chủ đề “Tầm soát ung thư phổi” do Bác sĩ CKII Trần Đình Thanh, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ. 

Chủ đề “Hiệu quả sinh thiết xuyên thành ngực dưới X-quang cắt lớp điện toán” do Bác sĩ CKII Nguyễn Phước Thuyết Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ. 

Bác sĩ CKII Trần Đình Thanh, Trưởng Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - Ảnh: BVCC

Chủ đề “Tối ưu hóa hiệu quả điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ với EGFR TKI” do PSG.TS.BS James Chung Man Ho, Đại học Hong Kong, Bệnh viện Queen Mary (Hong Kong) chia sẻ. 

Chủ đề “Vai trò của xạ trị và EGFR TKI trong điều trị di căn não ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ” do TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Chủ đề “Liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa” do Bác sĩ CKII Trần Đình Thanh, Trưởng Khoa Ung Bướu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ.

Các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đã có những chia sẻ thực tế về các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay

Kỹ thuật chẩn đoán, điều trị sớm ung thư phổi đã phát triển và được ứng dụng phổ biến trên thế giới. Tại các nước phát triển, nhiều trường hợp ung thư phổi được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nhờ các phương pháp tiên tiến. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc phát hiện sớm ung thư phổi vẫn còn hạn chế do chưa hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ.