Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Phát biểu tại cuộc họp ban phòng chống dịch sởi do UBND TP.HCM tổ chức chiều 16/10, ThS.BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết số ca mắc sởi mới tại 19 tỉnh thành phía Nam đang gia tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại.

TP.HCM chưa thể công bố hết dịch

Theo bác sĩ Quang, ca mắc tại các địa phương chủ yếu là riêng lẻ, có một số ổ dịch sởi ở người lớn phát hiện trong nhà máy, xí nghiệp. Do đó, TP.HCM nên rà soát thêm trong các doanh nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp để sớm phát hiện ca sởi ở người lớn.

Phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine sởi tại quận Bình Tân. Ảnh: Duy Hiệu.

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết qua theo dõi của HCDC, cứ 2 tuần thành phố không có ca mắc mới thì đến tuần thứ 3 xuất hiện ca bệnh, nên chưa có quận, huyện nào đủ điều kiện công bố hết dịch.

Hơn một tháng TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng và công bố dịch sởi, nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Bởi, chúng ta còn nhiều sai sót trong việc rà soát trẻ tiêm chủng.

Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, có tình trạng tỷ lệ tiêm vaccine ở trường học đạt tỷ lệ rất cao, gần 100%, nhưng số trẻ ở nhóm 6-10 tuổi mắc bệnh vẫn cao. Qua rà soát, Viện Pasteur TP.HCM nhận thấy có hiện tượng y tế phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên lập danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi bằng cách hỏi phụ huynh, nếu họ nói đủ thì học sinh được loại ra. Nếu phụ huynh không muốn cho trẻ tiêm, sẽ nói tiêm đủ.

Trong hướng dẫn của Viện Pasteur TP.HCM cho khu vực, yêu cầu phụ huynh phải cung cấp sổ tiêm chủng đối với những học sinh đã tiêm đủ mũi. Phụ huynh không cung cấp được sổ, học sinh đó buộc phải tiêm. Như vậy, khả năng "lọt" học sinh chưa tiêm hoặc tiêm thiếu sẽ ít hơn.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tổ chức chiến dịch 3 tuần sau số ca sẽ giảm. Nhưng chúng ta đã vượt quá thời gian này, số ca vẫn còn cao.

"Địa phương muốn giảm số ca mắc nhanh thì phải là vùng an toàn, tức tỷ lệ miễn dịch của trẻ phải cao, tiêm chủng tốt", ông Quang nói.

Thêm nữa, những trẻ nghi ngờ mắc sởi, có triệu chứng ở TP.HCM khi xét nghiệm có 85% là dương tính với virus sởi. Ở các tỉnh là trên 90%. Như vậy, đa số trẻ có biểu hiện nghi ngờ sởi, xét nghiệm sẽ dương tính. Do đó, ngành y tế không cần phân biệt số ca mắc sởi và nghi ngờ sởi.

"Nếu tách riêng, số ca mắc sởi sẽ thấp, làm nhầm tưởng ca mắc bệnh đã giảm. Từ đó, sẽ gây ra sự chủ quan", ông Quang nhấn mạnh.

 
Nơi điều trị điều trị trẻ mắc bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Không có nguy cơ bùng dịch

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ 1-10 tuổi, không kể lịch sử tiêm chủng, đến nay đã đạt được 99,9%, vượt chỉ tiêu ban đầu là 95%. Đây là sự vào cuộc nhanh chóng và nỗ lực của hệ thống y tế toàn thành phố.

Số ca bệnh có giảm nhưng chưa giảm nhanh như mong đợi. Qua kiểm tra, ngành y tế nhận thấy số lượng trẻ cần được tiêm vaccine chưa được ước tính chính xác ngay từ đầu.

"Với mức bao phủ vaccine hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch sởi ở TP.HCM là không có. Tuy nhiên, thành phố vẫn xuất hiện những ca rải rác, đây là những ca bệnh chưa được tiêm vaccine", TS Châu nhận định.

Hiện thành phố vẫn có nhóm trẻ chưa được quản lý nên chưa được tiêm vaccine, khoảng 17% là trẻ cư trú từ tỉnh khác đến TP.HCM.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay thực tế có quận, huyện ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng trên 100%, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn còn cao. Các địa phương cần phải xem đây là trọng trách và cố gắng hơn, phấn đấu để sớm công bố kết thúc dịch.

Bà Thuý cũng yêu cầu Sở Y tế sớm trình văn bản đề xuất UBND TP ký để yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép tiêm vaccine sởi cho trẻ 6-9 tháng tuổi.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 41 (từ 7-13/10) thành phố ghi nhận 103 ca mắc bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 1.079 ca, gồm 851 ca nội trú và 228 ca ngoại trú, 4 ca không qua khỏi. Số ca bệnh nội trú có xu hướng giảm trong 2 tuần qua.

Tổng số mũi tiêm vaccine cho trẻ 1-10 tuổi là 219.850 mũi, đạt 98,8% tỷ lệ bao phủ với trẻ 1-5 tuổi, 99,9% trẻ 6-10 tuổi. Theo đánh giá của HCDC, tỷ lệ bao phủ thực sự có thể chưa đạt 95% (khảo sát của HCDC là 86%), vẫn còn khả năng xuất hiện ca bệnh hoặc chùm ca lẻ tẻ và lây cho độ tuổi ngoài tuổi được tiêm chiến dịch. Có tình trạng trẻ đang sống trên địa bàn nhưng không được rà soát.

Ca bệnh phát hiện ở mọi nhóm tuổi, nhóm 1-10 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng tốc độ tăng chậm, trong khi nhóm 6-9 tháng tuổi và nhóm trên 11 tuổi tăng nhanh

Tin liên quan