Chưa ghi nhận trường hợp tử vong

Theo thông tin từ Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC), đến nay tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân.

Trong đó có 7 trường hợp nặng, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn. Các trường hợp khác trong tình trạng ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhiều các trường hợp có liên quan đến chợ hải sản lớn nhất tại Vũ Hán.

Kết quả điều tra cho thấy, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh.

Theo WHO, kết quả xét nghiệm đã loại trừ các tác nhân gây bệnh như cúm, Adenovirus, cúm gia cầm, SARS và hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV).

Bệnh viêm phổi cấp từ Vũ Hán, Trung Quốc có nguy cơ lây lan vào Việt Nam nếu không quyết liệt phòng dịch. Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tuy nhiên, Tết Nguyên Đán Canh Tý đang tới rất gần. Đây là thời điểm nhu cầu giao lưu đi lại giữa các nước gia tăng. Nguy cơ dịch bệnh viêm phổi cấp lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không quyết liệt thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Để phòng dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế, tại cộng đồng. Tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam nếu đến từ Vũ Hán đều được giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát sức khỏe. Những biện pháp giám sát tại cộng đồng cũng được triển khai theo đúng quy trình giám sát dịch bệnh.

7 bí kíp phòng dịch bệnh

Nói về căn bệnh cúm Vũ Hán “giống SARS” đang gây lo lắng này, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn bày tỏ quan điểm: Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có người Việt nào được báo cáo nhiễm cúm Vũ Hán. Bệnh cúm từ Vũ Hán do vi rút nào gây bệnh vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: BSCC

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, mùa đông và xuân luôn là mùa của dịch cúm. Vì thế, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân nên biết và thực hiện một số biện pháp rất đơn giản để tránh bị lây nhiễm cúm như sau:

Tránh tiếp xúc gần với người bệnh: Bản thân người bệnh cũng nên giữ khoảng cách với người khác để tránh lây cho họ. Khi mắc bệnh, hãy ở nhà thay vì đi làm hay đi học, đó là cách tốt để giảm lây truyền.

Che mũi và miệng: Dịch cúm gia tăng, hắt hơi sai cách cũng khiến vi rút bị phát tán. Khi hắt hơi tạo ra 40 ngàn giọt nước bọt siêu nhỏ.

Giọt nước bọt siêu nhỏ sẽ bay lơ lửng trong không khí, như những hạt bụi siêu mịn mang mầm bệnh, đặc biệt là vi rút cúm. Nghĩa là, một người ngửa cổ lên trời hắt hơi, thì khoảng xung quanh người đó với vòng tròn đường kính 4 mét sẽ được coi là vùng nguy hiểm, dễ lây bệnh cho người khác.

Lý tưởng nhất là hãy đeo khẩu trang khi cần thiết, đặc biệt khi phải tiếp xúc với người bệnh hoặc chính người bệnh thực hiện đeo khẩu trang.

Ho và hắt hơi, sử dụng khăn giấy dùng 1 lần rồi rửa tay, hoặc ít nhất là giấu mặt trong khủy tay áo che mũi và miệng.

Ngoài việc ngăn chặn phát tán 40 ngàn giọt nước bọt vào không khí, thì tay áo mặt trong khủy cũng là vùng không sờ đến nên không gây truyền bệnh cho người khác. Bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng hay chất sát khuẩn ngay sau khi hắt hơi.

Rửa tay thường xuyên: Hãy thực hiện rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi ho và hắt hơi, rửa tay trước khi ăn. Sử dụng chất sát trùng tay là rất tốt để ngăn ngừa cúm.

Tránh chạm tay vào mắt mũi miệng: Vi rút cúm thường ở dịch tiết của mắt, mũi, miệng; nếu sờ tay vào sẽ dễ truyền bệnh cho người khác, ví dụ mở nắm đấm cửa.

Thực hành thói quen sống lành mạnh: Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc trường học, lớp học đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Ngủ đủ, tăng cường vận động thể chất, thể dục thể thao, kiểm soát căng thẳng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, bổ sung đủ vitamin.

Ăn tỏi: Tuy tỏi có mùi khó chịu nhưng đây là thực phẩm rất tốt để phòng ngừa vi rút cúm.

Tiêm vắc xin phòng vi rút cúm theo mùa là biện pháp phòng bệnh cúm rất hiệu quả.