Tiền triệu mỗi vỉ “thần dược trị cúm”
Gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm có xu hướng tăng. Để đối phó, nhiều người đã lùng sục mua thuốc Tamiflu, thậm chí dự trữ trong nhà để dùng khi cần.
Chị Nguyễn Duyên (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay chị đang bị cúm và đã chi 900.000 đồng để mua 5 viên thuốc Tamiflu, tính ra giá lẻ là 180.000 đồng/ viên trong khi giá bình thường là 45.000 đồng/ viên.
Chủ một hiệu thuốc tại Q.Hà Đông, Hà Nội cho hay những ngày này, do giá thuốc Tamiflu bị đẩy lên quá cao nên chị không dám nhập sẵn thuốc. Chỉ khi khách đặt cửa hàng mới nhập thuốc về.
Theo nhận định của chủ hiệu thuốc này thì chính vì việc người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu đã khiến giá thuốc bị đẩy lên cao ngất ngưởng tới 1,5 triệu đồng/hộp.
Tiếp tục tới một hiệu thuốc lớn khác cũng tại địa bàn Q. Hà Đông, chủ hiệu thuốc cho hay giá thuốc Tamiflu đã "leo thang" tới 2 triệu đồng/ vỉ nhưng vẫn "cháy hàng".
Thuốc Tamiflu đang có giá vô cùng đắt đỏ. Ảnh: Thu Hà
Trong khi người dân rầm rộ mua thuốc Tamiflu thì điều đáng nói là các bác sĩ đều khẳng định thuốc Tamiflu không phải là “thần dược trị cúm” như người dân đang lầm tưởng.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Trần Thị Thùy Lan, Bệnh viện Quân y 6 Sơn La không khỏi lo ngại khi gần đây, thuốc Tamiflu bị đẩy lên gấp nhiều lần. Thậm chí bác sĩ Thùy Lan đã gặp một trường hợp người dân quê ở Sơn La, đặt mua thuốc Tamiflu tại Hà Nội giá tới 2,5 triệu đồng/hộp nhưng không mua được.
“Cúm là bệnh do vi rút, không có biện pháp đặc trị hữu hiệu, chủ yếu điểu trị hỗ trợ. Nhưng nhiều người cứ nghĩ thuốc Tamiflu là “thần dược trị cúm”, bác sĩ Thùy Lan cho hay.
Cần hiểu đúng về công dụng thuốc Tamiflu
Theo bác sĩ Thùy Lan, thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là “thần dược trị cúm”.
Thuốc Tamiflu đang được mua bán rầm rộ trên "chợ mạng". Ảnh chụp màn hình.
Cụ thể vi rút cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men neurominidase giúp vi rút cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ đi tìm tế bào mới.
Thuốc Tamiflu có tác dụng ức chế men neurominidase của vi rút cúm, làm giảm sự phát tán của vi rút cúm trong cơ thể nhưng không tiêu diệt được vi rút.
“Vì vậy thuốc này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu khi vi rút cúm mới xâm nhập cơ thể. Còn sau đó không có tác dụng vì vi rút cúm đã sinh sôi, có mặt ở mọi nơi trong cơ thể”, bác sĩ Thùy Lan phân tích.
Ai có thể dùng Tamiflu?
Bác sĩ Thùy Lan cho biết người cần thuốc Tamiflu là bệnh nhân cúm với triệu chứng rõ ràng như sốt cao, dùng trong vòng 48 giờ đầu thì thuốc mới có tác dụng.
Ngoài ra là đối tượng dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch.
“Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc Tamiflu là có thể gây nôn ói. Ngoài ra có tiêu chảy, nhức đầu, gây độc thận ở những người có bệnh thận. Chính vì thế, Tamiflu không phải là “thần dược trị cúm”, chỉ là một phương pháp hỗ trợ bệnh nhân.
Người dân không nên quá thần tượng thuốc này vừa tốn kém tiền bạc vừa khiến người bệnh nặng hơn vì tác dụng phụ của nó”, bác sĩ Thùy Lan cảnh báo.
Bác sĩ Thùy Lan khẳng định khi bị nhiễm cúm với các triệu chứng như sốt, đau mỏi, người dân nên đi khám để được chẩn đoán bệnh và điều trị đúng cách. Tuyệt đối không “tự làm bác sĩ” mà gây hậu quả tiền mất tật mang.
Để đáp ứng nhu cầu thuốc trong bối cảnh dịch cúm đang gia tăng, ngày 19/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã yêu cầu Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 - đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu - khẩn trương nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 phục vụ nhân dân.
Tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh mới đây, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh “Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm. Người dân tuyệt đối không nên đổ xô đi mua về sử dụng”. Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một. Điều quan trọng nhất là phòng bệnh, tiêm vắc xin phòng cúm và giải quyết tốt các nhiễm trùng cơ hội.