Theo thống kê của Khoa điều trị rắn độc - Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu - Cục Hậu cần Quân khu 9 (tại Tiền Giang), trong 9 tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận điều trị hơn 760 ca bị các loại rắn rết, côn trùng cắn; trong đó có 575 ca bị các loại rắn cắn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ca bị rắn rết cắn đến đây đều được cứu sống 100%.

Điều đáng nói là gần đây, khi nước lũ tràn về, mưa nhiều và triều cường dâng cao số ca bị rắn cắn tăng cao; trong 9 tháng qua đã có  gần 400 ca bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn.

Điều trị rắn độc cắn tại Khoa điều trị rắn độc - Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu - Cục Hậu Cần ( Quân khu 9)

Theo Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu - Cục Hậu cần Quân khu 9 hàng năm mùa mưa, lượng bệnh nhân đến điều trị rắn cắn tăng lên; có một số trường hợp bà con bị rắn cắn đến trễ dẫn đến có một số ca diễn biến rất nặng, để lại di chứng nặng nề. Có một số ca phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để hỗ trợ điều trị như: xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng.

Mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận và chữa trị trên 1.000 ca bị rắn cắn; trong đó có khoảng 70% là rắn độc cắn như hổ đất, lục đầu dồ đuôi đỏ, chàm quạp, hổ hồng.... Đa số các bệnh nhân bị rắn cắn đến từ nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Nhiều nhất là người dân bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn, trung bình mỗi năm chiếm từ 650 - 700 ca. 

Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tâm - Phó chủ nhiệm khoa điều trị rắn độc cắn khuyến cáo: “Khi bệnh nhân bị rắn cắn thì phải bình tĩnh và đặt bệnh nhân tại chỗ, rửa sạch vết cắn, băng ép vết cắn và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có huyết thanh. Đặc biệt bà con lưu ý, các phương pháp điều trị bằng dân gian không hiệu quả lắm. Do vậy tránh đi đến các nơi đó điều trị để tránh mất thời gian, đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Để đề phòng rắn cắn chúng ta không đi đến chỗ có cây cối rập rạp, nếu cần thiết phải đi thì ta phải có dụng cụ bảo hộ, hạn chế đi vào ban đêm, không được đùa giỡn với rắn”.