Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, cử tri TP.HCM đề nghị Bộ Y tế đưa vaccine sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng để toàn dân được thụ hưởng.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại Việt Nam, vaccine sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và phát triển để giúp ngăn ngừa bệnh này.

Hiện, đã có vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, thuộc danh mục vaccine được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14-5-2024 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Một số nghiên cứu vaccine trong nước và quốc tế cũng đang tiếp tục được phát triển và thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn phòng, chống bệnh cho người dân.

Vaccine sốt xuất huyết - một vũ khí mới trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do bệnh sốt xuất huyết, góp phần đạt mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Việc sử dụng vaccine sốt xuất huyết là một nhiệm vụ quan trọng, do đó trước khi đề xuất việc tổ chức triển khai chính thức, cần tiếp tục theo dõi tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế của vaccine phòng, chống sốt xuất huyết.

Vaccine sốt xuất huyết là một vũ khí mới trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. (Ảnh minh hoạ)

Cử tri TP.HCM kiến nghị về Bộ Y tế cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị các loại thuốc tiêm ngừa, trị bệnh cho nhân dân, trẻ em trong thời gian tới (tránh để xảy ra tình trạng như dịch sởi đang diễn ra).

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thực hiện Nghị quyết 98 về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 để mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Chính phủ đã bổ sung dự toán năm 2023 để mua vaccine tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế đã khẩn trương tiến hành các thủ tục mua sắm vaccine theo đúng quy định của Luật Giá và Nghị định 32/2019 ngày 10-4-2023.

Đầu năm 2024, Bộ Y tế đã hoàn thành việc đặt hàng, đấu thầu mua sắm và tiếp nhận vaccine để phân bổ cho các địa phương tổ chức tiêm bù mũi cho năm 2023 và tiêm chủng cho 6 tháng đầu năm 2024.

Để đảm bảo việc cung ứng vaccine trong thời gian thực hiện các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế đã chủ động làm việc với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ vaccine phục vụ công tác tiêm chủng năm 2023-2024.

Đối với kế hoạch tiêm chủng 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, từ tháng 12-2023, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương đăng ký nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng để tổng hợp và ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024.

Ngày 5-2-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất kinh phí để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng năm 2024 và được Chính phủ phê duyệt bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.

Trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiến hành mua sắm các vaccine cần cung ứng ngay để triển khai tiêm chủng mở rộng (uốn ván, viêm gan B).

Ngay sau khi có ngân sách bổ sung, Bộ Y tế đã tiến hành thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định để kịp thời phân bổ cho các địa phương tổ chức tiêm chủng năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025.

Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục chủ động phối hợp, làm việc với WHO, UNICEF, Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng để huy động hỗ trợ, viện trợ vaccine cho tiêm chủng mở rộng.

Đối với kế hoạch năm 2025, Bộ Y tế đã đôn đốc các địa phương đề xuất nhu cầu vaccine 6 tháng cuối năm 2025 và 6 tháng đầu năm 2026, và tổng hợp, xây dựng, ban hành Kế hoạch năm 2025 ngay từ tháng 7-2024.

Bộ Y tế sẽ tổ chức mua sắm vaccine sớm, không để xảy ra gián đoạn cung ứng vaccine.