Tin về 3 con gái ở Hưng Yên bị khởi tố tội giết người vì nhẫn tâm mua xăng về đốt nhà mẹ đẻ bất giác làm tôi liên hệ đến hoàn cảnh bản thân mình. 

Tôi là con thứ hai, con gái duy nhất trong gia đình 3 anh chị em. Bố mẹ tôi đều là cán bộ nhà nước ở tỉnh lẻ. Ông bà khá tân tiến nên ngay từ khi anh em tôi xuống Hà Nội học, bố mẹ đã bán mảnh đất ở trung tâm thị trấn rồi mua đất ở đây, xây tạm nhà cấp bốn cho anh em tôi ở.

6 năm sau, anh lớn cũng đã đi làm, có kế hoạch lấy vợ. Bố mẹ tôi quyết định xây trên mảnh đất đó ngôi nhà 5 tầng. Tôi và em trai vẫn sống cùng vợ chồng anh chị.

Sau rồi tôi lấy chồng. Cuộc hôn nhân được cả hai bên gia đình ủng hộ. Chúng tôi đi thuê nhà ở. Cả hai vợ chồng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, chồng tôi còn phải gửi tiền về quê hàng tháng cho bố mẹ chồng không có lương hưu nên gần như tháng nào chúng tôi cũng trong tình trạng “giật gấu, vá vai”.

Hoàn cảnh càng trở nên khó khăn khi tôi sinh con đầu lòng. Đúng dịp đó, chồng đi làm xa, 2 tuần về nhà một lần. Nhà vẫn phải thuê, mẹ chồng xuống chăm cháu lại giữ nếp sống quê hay săm soi, cạnh khoé, cho là tôi kén ăn, cảnh vẻ nên gầy yếu. Bà luôn kể tội tôi với chồng tôi mỗi khi anh ấy gọi điện về.

Tôi mất sữa, gầy rộc đi. Thế nhưng, mẹ đẻ tôi mỗi lần sang thăm cháu cũng không mảy may có ý định đón cháu về. Bà bảo đợi đầy tháng rồi tính. Bà sợ đón gái đẻ là mang xúi quẩy đến cho vợ chồng anh trai tôi. Nhiều đêm vừa cho con bú, tôi vừa khóc. Ngay cả chồng cũng luôn bênh mẹ đẻ. Cảm giác cô đơn không biết bấu víu vào ai làm tôi tuyệt vọng.

Chúng tôi ra toà ly hôn khi con mới sinh được 2 tháng. Tôi nhận quyền nuôi con. Bố mẹ đẻ biết tin, ông bà quyết định “từ mặt” tôi vì ''nhà này không có loại con gái bỏ chồng như thế''.

Tôi câm nín, hai mẹ con tự xoay xở qua ngày. Lúc bấy giờ, con là thứ duy nhất níu giữ tôi, buộc tôi phải sống. Con 4 tháng, tôi quyết định gửi con và quay trở lại công việc. Tôi nhận thêm cả việc bên ngoài về làm. Vừa cho con ngủ, vừa dịch tài liệu mỗi đêm là chuyện hàng ngày của mẹ con tôi. Cuộc sống cũng dần bớt khó khăn dù tôi chưa thể mua được nhà.

Tôi cố gắng xoay xở, cuộc sống của 2 mẹ con trong căn nhà thuê dần bớt khó khăn. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, em trai tôi lấy vợ, ông bà lại bán đi một phần đất ở quê để mua cho vợ chồng em căn chung cư khác mà không hề xót xa cảnh mẹ con tôi phải thuê nhà tạm bợ để sống.
Tôi thương thân tôi, tôi ghen tị với chị dâu, em dâu tôi. Cũng là phận đàn bà, sao chị, em dâu tôi lại được bố mẹ tôi lo chu toàn khi mới chân ướt chân ráo về nhà. Còn tôi thì bị nhà chồng ruồng rẫy chỉ vì “tưởng thế nào hoá ra cũng nghèo rớt”. Đến ngay cả bố mẹ đẻ cũng cho rằng tôi đi lấy chồng là ông bà xong trách nhiệm. 

Buồn đấy, thất vọng đấy, nhưng rồi tôi lại nghĩ: con cái đâu được quyền lựa chọn bố mẹ. Tôi được sinh ra đời đã là diễm phúc. Tôi giận bố mẹ nhưng không còn oán trách, xác định phải quen với tư duy ''trọng nam khinh nữ'' của gia đình.

Sau đó, bố mẹ tôi cũng nghỉ hưu, xuống ở cùng với anh trai cả. Ông bà lần lượt chăm 6 đứa cháu nội từ lúc mới đẻ đến khi chúng đi học, ông bà lại thay phiên nhau đón đưa. 

3 năm gần đây, sức khoẻ bố mẹ tôi không tốt, bố tôi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, còn bà thì bị rối loạn tiền đình.  Hai ông bà ở viện nhiều hơn ở nhà. Các con dâu trước đây được chăm sóc, hỗ trợ hết sức, giờ phải vào bệnh viện chăm ông bà liền tìm mọi cách thoái thác.

Chị dâu thì cáo bận họp, phải trực thêm, còn cô em dâu là giáo viên thì lý do bận bịu, lên lớp, dạy thêm, phụ huynh kiện cáo. Thậm chí có lần chị dâu còn gọi tôi bảo: “Ông bà khó tính, cô sang xem ông bà như thế nào. Ông bà chỉ tin tưởng mỗi cô chăm thôi”.

Tôi xin nghỉ làm vào viện, khi thì chăm ông, lúc thì chăm bà mà không đợi phân công. Tôi nhận hết việc chăm sóc dù bố mẹ tôi chẳng cho tôi đồng nào, trong khi tôi cảnh mẹ đơn thân nuôi con nhỏ.

Một lần, khi ở trong viện bố hỏi tôi chuyện nhà cửa. Ông ngỏ ý cho tôi vay sổ tiết kiệm mấy trăm triệu nếu tôi mua nhà. Tôi vui đến ứa nước mắt. Lần đầu tiên tôi nhận được sự quan tâm từ bố kể từ khi lấy chồng, nhưng chắc chắn một điều, tôi sẽ không bao giờ dùng số tiền mà bố bảo “để dưỡng già”.

Tôi không thể lấy đi nốt khoản tiền ấy! Bởi tôi đã đứng lên được ở giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời thì đến giờ thứ tôi cần nhất chỉ là hơi ấm của tình thân mà thôi.