Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong dịp Tết có rất nhiều loại trái cây không chỉ có ý nghĩa trong việc thờ cúng, mà còn là những vị thuốc hỗ trợ, tăng cường đề kháng cho sức khỏe, trong đó có hệ tiêu hóa.

Ông Sáng liệt kê 3 loại quả phổ biến nhất là quả bưởi, quả cam, quả chôm chôm. Vị lương y này khuyên các gia đình, ngoài chọn những quả tươi ngon, đẹp mắt dâng lên ban thờ thì cũng nên mua thêm để sử dụng trong ngày Tết vì rất tốt cho hệ tiêu hóa.

 

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, nhiều loại quả ngoài để thắp hương ngày Tết thì có nhiều công dụng cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Lê Phương.

Quả bưởi

Đây là loại quả được trồng ở nhiều nơi, từ Bắc vào Nam. Trong đông y, quả bưởi có vị chua, tính mát, có tác dụng giải khát, chủ trị đau bụng, ăn không tiêu, giải rượu nên rất thích hợp cho ngày Tết.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bưởi chứa nhiều nước, ít calo và giàu chất xơ, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu... Vì chứa nhiều nước và các dưỡng chất nên loại trái cây này có thể giúp ngăn ngừa táo bón, ung thư đại trực tràng và giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh.

Trong ngày Tết, việc ăn nhiều thực phẩm, nhất là đồ nhiều năng lượng, chiên rán sẽ gây ra tình trạng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Khi đó, bưởi có thể giúp trị chứng khó tiêu, dịu cơn nóng và kích ứng của dạ dày.

 

Bưởi tốt cho hệ tiêu hóa và có công dụng giải rượu, phù hợp sử dụng trong dịp Tết. Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, sau khi ăn bưởi, dịch chất tiêu hóa trong đường ruột cũng được đẩy mạnh lưu thông, từ đó giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Bưởi có hàm lượng chất xơ cao và bột thực vật, nếu ăn thường xuyên cũng hỗ trợ điều hòa chu kỳ bài tiết của cơ thể. Thậm chí, y học hiện đại còn có nghiên cứu ứng dụng chiết xuất bưởi nhằm mục đích cải thiện tiêu hóa, khắc phục chứng đầy hơi, khó tiêu.

Quả cam

Giống như bưởi, cam là loại quả thường được dâng lên mâm ngũ quả trong những ngày Tết,. Đây là loại quả có nhiều tác dụng với sức khỏe, trong đó có hệ tiêu hóa, lại rộ chín và có giá hợp lý vào mùa Tết.

Cam có nhiều vào dịp Tết, mọi nhà nên sử dụng để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Ảnh minh họa. 

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, trong đông y, cam vị ngọt chua, tính mát, tác dụng giải khát, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu. Cam chứa lượng vitamin C dồi dào, giúp kích thích sản xuất collagen, ngăn ngừa nám và tình trạng viêm da, tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài vitamin C, cam rất giàu chất xơ, có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa rất tốt.

Đặc biệt, trong ngày Tết, nhiều người gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu, khi đó ăn cam hoặc uống nước cam sẽ cải thiện hệ thống tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Bài thuốc thường dùng nhất trong đông y trị chứng tiêu hóa kém là dùng cam vắt lấy nước uống, hoặc dùng vỏ cam với lượng vừa đủ, sau đó sắc uống.

Chúng ta cũng có thể ăn trực tiếp mỗi ngày một quả cam để tránh hội chứng ruột kích thích, làm nhuận tràng, giảm thiểu tình trạng táo bón. Cam có cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Lương y Bùi Đắc Sáng khuyên mọi người nên ăn cam cả cùi hơn là bóc sạch hoặc chỉ vắt lấy nước uống.

Quả chôm chôm

Chôm chôm được trồng nhiều ở miền Nam và loại quả này cũng hay xuất hiện trên mâm ngũ quả cúng trong ngày Tết. Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, tác dụng nổi bật của chôm chôm là cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa nhờ hàm lượng chất xơ và dinh dưỡng cao.

Chôm chôm là loại quả giàu vitamin, chất xơ nên hỗ trợ tiêu hóa rất tốt trong dịp Tết. Ảnh minh họa.

Quả chôm chôm có cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, trong đó chất xơ không hòa tan chiếm 50% tổng lượng chất xơ. Chất xơ này khi đi qua ruột sẽ không bị tiêu hóa, góp phần tăng trọng lượng phân và tăng tốc độ vận chuyển của ruột, nhờ đó giảm nguy cơ táo bón.

Chất xơ hòa tan sẽ cung cấp thức ăn cho các lợi khuẩn trong đường ruột. Đổi lại, những vi khuẩn này tạo ra các axit béo chuỗi ngắn như axetat, propionat và butyrate giúp nuôi các tế bào trong ruột, giảm viêm và cải thiện các triệu chứng rối loạn đường ruột như hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng. Do vậy, chúng rất thích hợp dùng trong dịp Tết.

Ông Sáng cũng chia sẻ, không chỉ quả chín mà chôm chôm xanh và vỏ quả chôm chôm cũng được dùng làm thuốc. Quả xanh có tính vị chát, chủ trị tiêu chảy, kiết lỵ. Bài thuốc gồm có quả chôm chôm xanh 20-30g kết hợp cùng vỏ chôm chôm 20-30g sắc uống.