Chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ biểu hiện ở việc trẻ bị nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Để hạn chế chứng rối loạn tiêu hóa thì các mẹ hãy dựa vào từng biểu hiện để điều trị hiệu quả nhất.

Táo bón

Táo bón là hiện tượng trẻ gặp khó khăn khi đi ngoài, phân cứng và đóng thành cục nhỏ, số lần đi ngoài ít. Trẻ có thể gặp táo bón khi bắt đầu sử dụng sữa công thức, có chế độ ăn dặm không hợp lý hoặc còi xương.

Cha mẹ có thể dùng biện pháp massage để giảm hiện tượng táo bón cho trẻ. Ảnh internet.

Để giảm hiện tượng táo bón cho con, cha mẹ có thể massage cho trẻ. Khi trẻ thoải mái, không đói hoặc no quá, hãy làm ấm bàn tay rồi xoa vùng hai bên sườn trẻ. Sau đó, xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trên bụng trẻ và ngược lại. Nắm nhẹ chân trẻ, giúp trẻ co đầu gối, ép nhẹ đầu gối lên bụng trẻ rồi lại duỗi chân ra.

Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung thêm nước, sữa và chất xơ cho trẻ. Với các mẹ đang cho con bú, cần tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và uống nhiều nước. Khi trẻ bị táo bón nên hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá nhiều đạm, không nên uống các loại sữa có nhiều chất béo.

Nôn trớ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), trẻ sơ sinh thường bị trớ sữa là do vòng van giữa thực quản và dạ dày không đủ mạnh để cản lại thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản và miệng trẻ. Nếu trẻ bị nôn trớ với tần suất 2 – 3 ngày 1 lần hoặc do ăn quá no thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Lúc này, cha mẹ chỉ cần điều chỉnh lại cách cho trẻ bú là trẻ sẽ giảm các triệu chứng nôn trớ. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn trớ thường xuyên, ăn bao nhiêu nôn bấy nhiêu thì hệ tiêu hóa của trẻ đang gặp vấn đề.

Khi trẻ bú, mẹ nên cho bú bầu vú bên trái trước sau đó chuyển sang phải sẽ khiến sữa xuống dễ dàng mà không trào ngược. Với trẻ bú bình, cha mẹ chú ý luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để núm vú cao su luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm ngang sẽ khiến trẻ bú phải không khí thừa trong bình sữa, gây căng dạ dày.

Tuyệt đối không cho trẻ bú quá lâu, quá no. Sau khi bú xong, mẹ nên bế trẻ theo tư thế thẳng, mặt kệ lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi ra. Tuy nôn trớ là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng nó có thể gây nguy hiểm nếu sữa chảy vào đường hô hấp gây ảnh hưởng phổi. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý và hạn chế tình trạng này cho con.

Tiêu chảy

Biểu hiện của trẻ sẽ là đi ngoài liên tục, phân có dịch nhầy, nôn, sốt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị mất nước. Vì vậy, mẹ cần cho trẻ bú nhiều hoặc uống nước đun sôi để nguội (đối với trẻ trên 6 tháng tuổi.

Bé đi ngoài liên tục là một trong những biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Ảnh internet.

Để hạn chế tiêu chảy ở trẻ, mẹ nên kiêng ăn những món không tốt cho hệ tiêu hóa của con như món có tính hàn, món sống, có vị chua. Đồng thời, khi cho trẻ làm quen với các loại thức ăn mới, mẹ hãy làm một cách từ từ, từng loại một.

Mẹ nên lưu ý cho trẻ uống từ từ, khoảng 5 – 7 thìa, rải rác nhiều lần trong ngày, không cho trẻ uống liền một cốc/ lần. Mẹ có thể sử dụng dung dịch bù nước điện giải oresol thay nước sẽ hạn chế tốt tình trạng mất nước hơn. Nếu trẻ bị tiêu chảy trên 6 lần/ngày hoặc quá 24 giờ, bố mẹ cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện.

Đau bụng

Khi đau bụng, trẻ thường quấy khóc, mặt đỏ hoặc tái. Nguyên nhân đau bụng có thể do trẻ bú nhiều hơi, bú no quá hoặc bị một vài bệnh như lồng ruột, thoát vị bẹn. Mẹ cần căn cứ vào các triệu chứng đi kèm như táo bón, tiêu chảy để nhận biết nguyên nhân đau bụng của trẻ. Nếu sau nhiều giờ vẫn không hết, bố mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để khám.

Bụng căng trướng, ợ hơi

Biểu hiện của tình trạng đầy bụng ở trẻ sơ sinh là khi sờ thử bụng của bé, bạn sẽ thấy bụng cứng và căng lên, có, xì hơi nhiều lần trong ngày; phân thường lỏng và màu không giống bình thường, hoặc trẻ thường co chân lên sau đó duỗi ra, cong lưng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trường khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM) chia sẻ, thông thường nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ sơ sinh bị đầy bụng là hiện tượng phổ biến, do chế độ dinh dưỡng sai lầm. Do đó, cha mẹ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ thì tình trạng đầy bụng sẽ được cải thiện nhanh chóng. Ngoài ra, massage bụng cũng giúp kích thích ruột đào thải hơi thừa, giúp trẻ thấy dễ chịu hơn.