Những triệu chứng điển hình của BTĐN gồm:

Bất thường chu kỳ kinh nguyệt: Khoảng 50% phụ nữ bị BTĐN có chu kỳ kinh nguyệt quá dài: Thời gian của mỗi chu kỳ kinh lên đến 40-45 ngày; trong kỳ “đèn đỏ” lượng máu kinh mất quá nhiều hoặc quá ít; có chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt... Thậm chí có trường hợp còn không có chu kỳ kinh nguyệt.

Biểu hiện ở ngoại hình: Những người bị BTĐN, cơ thể có xu hướng sản xuất nhiều testosterone hơn do nồng độ cao của hormon luteinizing và insulin trong cơ thể người bệnh. Nồng độ cao insulin cao đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh tiểu đường hay hạ đường huyết, nhưng ở những phụ nữ bị BTĐN, đó là kết quả của tình trạng kháng insulin. Chính tình trạng này đã gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu cho ngoại hình của chị em như: ria mép xuất hiện, da nhờn, có mụn trứng cá, rụng tóc thể hói đầu... Béo phì cũng là tình trạng thường thấy của các trường hợp mắc BTĐN.

Biến chứng lâu dài: BTĐN nếu không được chữa trị kịp thời khiến phụ nữ suy giảm khả năng làm mẹ. Do trứng không được rụng và phóng noãn một cách bình thường, nên khả năng thụ tinh rất thấp. Ngoài ra, khi bị BTĐN, nguy cơ sẩy thai và sinh non rất cao. Do các nang trứng hình thành với số lượng lớn và gây xoắn buồng trứng, chèn ép và gây áp lực lên thai, khiến thai bị bong ra khỏi tử cung và có thể bị đẩy ra ngoài. Bên cạnh đó, BTĐN còn làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung.

Nhiều người bị hội chứng BTĐN vẫn có thể có con. Sau khi có con, họ cho rằng cơ thể đã thoát khỏi hội chứng BTĐN và không còn tác hại nào nữa. Tuy nhiên, điều này là sai lầm. BTĐN có thể có những biến chứng nguy hiểm và lâu dài về sau nếu không điều trị như: tăng huyết áp, bệnh tim và nhồi máu cơ tim, tiểu đường, loãng xương cũng phổ biến ở phụ nữ bị BTĐN.

Chị em cần lưu ý, khi thấy có những dấu hiệu bất thường kinh nguyệt hay những biểu hiện sớm của BTĐN, cần đi khám sản phụ khoa để được điều trị, tránh để bệnh có những biến chứng và ảnh hưởng khả năng làm mẹ.