Biến chủng Delta tại TP HCM nguy hiểm thế nào?
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng tại họp báo chiều 14/6 cho biết, biến chủng nCoV B.1.617.2 (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) hiện được gọi là biến chủng Delta. Chủng virus này chính là sự khác biệt trong đợt dịch bùng phát lần này ở thành phố.
Theo bác sĩ Dũng, thành phố lần đầu tiên phát hiện biến chủng này là tại ca nhiễm ở một công ty trên đường Pasteur, quận 3, ngày 18/5. Hai nhân viên của công ty này mắc Covid-19, trong đó một người về từ Hải Phòng. Ngoài hai bệnh nhân này, khi ấy công ty này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Bác sĩ Dũng nói rằng, thời điểm đó ông "hơi ngạc nhiên" vì ở Ấn Độ, chủng Delta có tốc độ lây lớn, nhiều bệnh nhân tử vong nhiều, trong khi thành phố chỉ ghi nhận hai ca này.
Chỉ một tuần sau, phát hiện chùm lây nhiễm liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng, kết quả giải trình tự gene của 7 trường hợp đầu tiên đều cho thấy họ đều nhiễm biến chủng Delta. Lúc này, tốc độ lây lan và sự nguy hiểm của biến chủng mới bộc lộ rõ, cho thấy chúng khác biệt hoàn toàn so với các biến chủng trước đây có mặt tại TP HCM và Việt Nam.
Nhắc lại chuỗi lây tại quán Buddha Bar & Grill, hồi tháng 3/2020, ông Dũng cho hay đây là trường hợp lây lan nhanh và nhiều nhất tại thành phố, vì họ "tiếp xúc rất gần", trong một không gian hẹp. Chủng virus này hiếm khi gây lây nhiễm cho người thứ hai trong gia đình, khi ấy. Hay như chuỗi lây liên quan nam tiếp viên VietnamAirline vào tháng 11/2020, một giảng viên tiếng Anh ở chung nhà với anh này chỉ lây cho duy nhất một bé trai hàng xóm, khi thường xuyên tiếp xúc rất gần.
"Điều này cho thấy các biến chủng trước đó phải tiếp xúc rất gần mới bị lây nhiễm", ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, trong đợt dịch lần này, TP HCM ghi nhận hầu như các chùm ca nhiễm đều ở trong phạm vi gia đình, trong cơ quan, trong cùng tòa nhà, chung cư. Tại công ty Thiên Tú FN, đến 71 trường hợp nhiễm nCoV trong số hơn 300 người cùng làm việc ở không gian kín, như vậy tỷ lệ lây nhiễm là gần một phần tư.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã khảo sát, đánh giá nhiều trường hợp tiếp xúc với người có triệu chứng (F0) thì chỉ qua ba ngày đã nhiễm và có triệu chứng. Tại Bắc Giang, chủng Delta cũng chỉ cần ba ngày đã tạo ra một chu kỳ lây nhiễm mới. Với biến chủng Anh, ghi nhận 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Còn ổ dịch tại nhóm Truyền giáo Phục hưng với biến chủng Delta, tới 66% bệnh nhân có triệu chứng.
"Như vậy chu kỳ lây nhiễm ngắn, chỉ ba ngày, kết hợp với nhiều bệnh nhân có triệu chứng dẫn đến sự lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta", Giám đốc HCDC nhận định.
Thực tế, ở đợt dịch này, khi phát hiện những ca đầu tiên thông qua khám bệnh, thành phố tiến hành truy vết ngay lập tức các F1 là người trong gia đình, hàng xóm lân cận. Mặc dù vậy, số ca nhiễm đã lên tới hàng chục người. Điều này cũng cho thấy mầm bệnh đã lây lan từ trước đó. Nhiều người trong họ đã có triệu chứng trước ca chỉ điểm (ca đầu tiên phát hiện).
Ngoài ra, ông Dũng cũng lý giải tốc độ lây nhiễm nhanh còn do thể tích của chủng Delta nhẹ hơn các chủng khác. Chúng lơ lửng trong không gian lâu hơn rồi mới rơi xuống các bề mặt.
Giám đốc HCDC cũng đánh giá biến chủng Delta "gần giống" virus H1N1 từng gây ra đợt dịch 2009 tại Việt Nam. Điểm khác biệt là virus H1N1 có tỷ lệ xảy ra triệu chứng nhiều hơn so với biến chủng Delta. Chủng Delta dù nhiều người bệnh có triệu chứng hơn các chủng nCoV khác nhưng nhìn chung các triệu chứng này là nhẹ, gồm sốt, mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác, ho nhẹ... Còn bệnh nhân nhiễm H1N1 ho rất nhiều, tốc độ lây nhiễm cao hơn.
"Bệnh nhân nhiễm chủng Delta có diễn tiến nặng hơn hay nguy cơ tử vong cao hơn hay không còn phụ thuộc vào bệnh nền của bệnh nhân, điều này chúng tôi cần phải đánh giá thêm", ông Dũng nói.
Đặc biệt, biến chủng Delta còn làm giảm hiệu quả của các loại vacine phòng chống Covid-19, giám đốc HCDC thông tin. Ông cho biết các loại vaccine Covid-19 hiện nay được sản xuất, thử nghiệm, sử dụng nhanh, đánh giá nhanh vì tính cấp bách, mà không có quá trình dài như các loại vaccine khác.
Ví dụ, vaccine AstraZeneca, một số đánh giá ban đầu ở thử nghiệm giai đoạn 3, tại Anh và Brazil (khi chưa có chủng Delta) thì sau tiêm liều đầu tiên hiệu quả chống lại virus đạt 76%, tiêm đủ hai liều hiệu quả đạt 82%. Tuy nhiên, sau khi chủng Delta xuất hiện, không chỉ vaccine AstraZeneca mà nhiều loại vaccine Covid-19 khác cũng bị "giảm hiệu quả dữ dội".
Cụ thể, mũi tiêm đầu tiên có hiệu quả 51% với biến chủng Anh, nhưng với biến chủng Delta là 33%. Mũi tiêm thứ hai sẽ tăng hiệu quả lên 93% với biến chủng Anh, còn với biến chủng Delta là 80%, ông Dũng dẫn lại một nghiên cứu tại Anh.
Theo ông Dũng, dù khả năng vaccine bảo vệ cơ thể trước chủng Delta bị hạn chế, song vaccine Covid-19 vẫn luôn có ưu điểm rất quan trọng. Đó là giữ cho người tiêm vaccine không bị bệnh nặng nếu nhiễm virus và hạn chế tối đa khả năng tử vong. Đồng thời, vaccine cũng làm giảm 50-60% các trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng.
Thực tiễn, tại chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chỉ có người đầu tiên phát hiện là có triệu chứng, tất cả những bệnh nhân khác không có triệu chứng. Tải lượng virus trong cơ thể các bệnh nhân "rất thấp" nên khả năng dịch lây lan thấp hơn so với không tiêm.
"Nếu 80% dân số trở lên được tiêm vaccine Covid-19 thì sẽ bảo vệ được cộng đồng. Chúng ta phải tiếp tục chiến dịch tiêm chủng theo chương trình của Bộ Y tế", giám đốc HCDC khuyến cáo. Hiện, TP HCM đã lập tổ công tác đặc biệt để đưa nhiều loại vaccine về tiêm cho người dân.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...