Sai lầm phổ biến khi nuôi dạy con khiến trẻ không nghe lời

Nhiều cha mẹ thắc mắc vì sao đứa trẻ này thì vô cùng nghe lời cha mẹ còn con mình thì không. Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ càng lì lợm, không tuân theo lời dạy của cha mẹ chính là do phương pháp giáo dục sai lầm của chúng ta.

Trẻ bướng bỉnh, lì lợm một phần vì dạy con sai phương pháp của cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Những sai lầm phổ biến trong cách dạy con của bố mẹ sẽ gây hại đến tương lai sau này của con,   trước khi tìm hiểu về phương pháp dạy con ngoan nghe lời hãy cùng điểm qua các sai lầm phổ biến khi dạy con của bố mẹ Việt sau đây: 

Dạy con bằng đòn roi

Việc cha mẹ thường xuyên dùng đòn roi để trừng phạt khi trẻ làm điều sai không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn để lại hậu quả nặng nề về tinh thần. Trẻ sẽ có suy nghĩ cha mẹ không yêu thương mình, từ đó khoảng cách giữa cha mẹ và con ngày càng xa hơn.

Đặc biệt khi bạn đánh con trước mặt người khác sẽ khiến con tự ti, khiến trẻ sinh ra phản ứng ngược hoặc thái độ lì lợm.

Đưa ra mệnh lệnh mà không lắng nghe ý kiến của con

 Một số đứa trẻ có bản năng tò mò, thích khám phá nên việc tìm hiểu cái này cái kia là vô kể. Cha mẹ lại không thấu hiểu được nhu cầu này của trẻ mà chỉ ra lệnh cho trẻ được làm việc này việc kia, không cho trẻ có sự lựa chọn.

Việc bố mẹ la hét, bắt con phải làm theo ý mình có thể gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng như khiến con bị ức chế tâm lý và phản kháng bằng cách không tuân theo.

Cha mẹ dùng đòn roi, quát mắng chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi mà không nhận ra lỗi lầm của mình - Ảnh minh họa: Internet

Quá cưng chiều trẻ

 Khi trẻ con nhỏ, cha mẹ đều có tâm lý chung là nên chiều theo ý con vì “con còn nhỏ có biết gì đâu”, dù cho đó là những đòi hỏi vô lý, ngang ngược. Điều này sẽ tạo cho trẻ thói quen xấu và khi lớn lên sẽ khó lòng thay đổi. Trẻ sẽ có tính cách bướng bỉnh, ích kỷ, kiêu căng và lười biếng, không có ý thức tự lập.

So sánh con với người khác

Khi chúng ta đem so sánh một đứa trẻ với một người khác làm giảm lòng tự trọng và giá trị của bản thân đứa trẻ. Việc đó cũng sẽ tạo nên khoảng cách giữa bạn và con, làm cho chúng liên tục cảm thấy bất an và mất niềm tin vào bạn. Trẻ cần rất nhiều tình yêu và sự hỗ trợ tuyệt đối của cha mẹ trong mọi tình huống. 

Không nhất quán trong cách dạy trẻ

Trong khi mẹ đang cau mày thể hiện sự không vừa ý với hành động của trẻ thì bố lại nhìn trẻ mỉm cười, chính những hành động này khiến trẻ bối rối không biết mình làm đúng hay làm sai, sự không ổn định này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lòng tự trọng, gây tổn thương và trầm cảm.

Kỳ vọng quá cao

Cha mẹ nào cũng muốn con mình là đứa trẻ thông minh, giỏi giang nên đặt rất nhiều kỳ vọng vào trẻ, vô tình gây nên áp lực trong tâm lý và trong quá trình học tập của trẻ.

Không làm gương cho con

 Có thể bạn không biết nhưng hành vi và tính cách của trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Vì vậy, nếu người lớn có hành động không đúng thường xuyên trước mặt trẻ, trẻ sẽ ghi nhớ và mặc định là mình cũng có thể thực hiện những hành vi tương tự như vậy.

Cha mẹ cần phải làm gương cho con cái học tập và noi theo - Ảnh minh họa: Internet

Bí quyết dạy con nên người cha mẹ nào cũng nên đọc

Dạo trên các diễn đàn sẽ thấy vô vàn các câu hỏi của các bậc phụ huynh về phương pháp dạy con ngoan biết nghe lời, làm cách nào dạy con không đòn roi hay phương pháp dạy trẻ lì lợm?

Nuôi dạy con cái là một vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong những năm đầu đời của trẻ vì đây chính là thời điểm hình thành thói quen và tính cách của bé.

Để dạy con ngoan nghe lời bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng có thể làm được, chỉ là chúng ta đã áp dụng đúng phương pháp hay chưa. Sau đây là những nguyên tắc cho cha mẹ khi chưa biết cách giáo dục trẻ không nghe lời. 

Dùng lời nói nhẹ nhàng

Nếu bạn đang tức giận vì hành động và lời nói của con hay đang có tâm trạng bực bội thì đừng vội la mắng trẻ. Hãy hít một hơi thật sâu, đợi đến khi bạn bình tĩnh và làm chủ được tình hình.

Đây cũng là cơ hội để cho trẻ có thời gian bình tâm, ngưng khóc lóc và suy nghĩ về hành vi sai trái của mình.

Cách dạy trẻ 2 tuổi vâng lời tốt nhất là hãy nhẹ nhàng với bé, bạn hạ thấp cơ thể hoặc bế bé ngồi cùng với bạn để có thể nhìn vào ánh mắt của con. Đây là hành động cho trẻ thấy trẻ được cha mẹ tôn trọng và chúng sẽ nghe lời. Bằng sự nhẹ nhàng cảm thông này, dạy con biết ngoan ngoãn nghe lời sẽ không khó.

Cha mẹ cần giáo dục nhẹ nhàng, tôn trọng con trẻ là phương pháp dạy con ngoan nghe lời - Ảnh minh họa: Internet

Hãy làm bạn với con hằng ngày

Con trẻ cần được cha mẹ yêu thương và chia sẻ mỗi ngày, hãy cố gắng trở thành người bạn thân thiết của con, khi đó chúng sẽ dễ hợp tác hơn.

Bạn có thể cùng tắt điện thoại, máy tính và trò chuyện, tận hưởng thời gian vui vẻ bên con bằng cách đọc sách hay đơn giản là cùng con chơi các trò chơi nhỏ… sẽ gia tăng gắn kết tình yêu với cha mẹ và giúp trẻ ngoan ngoãn hơn.

Cha mẹ gần gũi với con là cách để hiểu và dạy con tốt hơn - Ảnh minh họa: Internet

Giúp con tự lập bằng tình yêu thương

Lấy ví dụ về việc ngồi bô, bạn sẽ phải giúp con những lần đầu. Nhưng khi con đã làm nhiều lần, chúng có thể tự tin và tự làm. Vì vậy hãy tạo thói quen cho con để giúp trẻ xây dựng những kỹ năng cơ bản, từ đó hình thành tích cách của trẻ.

Thay vì luôn sẵn tay giúp đỡ con, hãy đứng bên cạnh theo dõi những việc con làm và chỉ giúp đỡ khi thực sự cần thiết, như vậy chúng sẽ không cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng mà khiến chúng tự tin và lạc quan. Tính tự lập sẽ giúp con làm chủ được cuộc sống của mình, tự tin trong cuộc sống.

Dạy trẻ tự giác và tự lập trong thực hiện các công việc cá nhân hằng ngày - Ảnh minh họa: Internet

Hãy khôn ngoan khi thưởng – phạt

Trong xã hội hiện đại, chúng ta không nên áp dụng các quy tắc thưởng phạt bằng tiền bạc, bạo lực và những lời nói thô lỗ để dạy con ngoan nghe lời.
Khi trẻ mắc lỗi lầm, dạy trẻ tìm cách giải quyết hoặc khắc phục sai lầm có thể giúp trẻ cảm thấy được an ủi và vui vẻ.

Bị đánh không khiến trẻ cư xử tốt hơn mà sẽ "dạy" trẻ cách tránh né, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị "tóm" khi mắc sai lầm. 

Khi trẻ đạt thành quả tốt, công nhận thành quả của trẻ là phần thưởng tốt nhất để khích lệ tinh thần và sự cố gắng của trẻ. Lời khen cũng là con dao hai lưỡi.

Hãy khen khi con thực sự có cố gắng, đừng khen sáo rỗng khiến chúng không thấy được giá trị của mình. Khen con, thưởng cho con đúng thời điểm là cách dạy con ngoan ngoãn nghe lời.  

Trẻ em luôn học hỏi từ cuộc sống hằng ngày và cách hiệu quả nhất để dạy bọn trẻ là làm mẫu và giáo dục bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu chứ không phải bằng kỷ luật đòn roi. Không tự nhiên sinh con ra đời thì chúng ta sẽ trở thành cha mẹ tốt, do đó muốn con ngoan thì phải học cách dạy con.